Giữ hồn di sản giữa cuộc chơi bảo tồn và khai thác
(CLO) Những chiều hè năm xưa, sân làng vang tiếng cười con trẻ rồng rắn lên mây, ô ăn quan, kéo co… đó là những trò chơi dân gian từng là một phần không thể thiếu của ký ức tuổi thơ. Dẫu vậy, giữa nhịp sống đô thị hoá ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại thì hình ảnh đó dần nhạt nhòa, không gian chơi dần biến mất và ký ức cũng dần bị mờ phai.
Trò chơi dân gian khác với các thú vui cung đình mang tính lễ nghi xuất phát từ đời sống bình dị của nhân dân, từ lúc con người quần tụ và sinh hoạt cộng đồng. Dù không thể thống kê đầy đủ, nhưng có thể thấy sự đa dạng của loại hình này ở khắp mọi miền đất nước, từ miền núi đến đồng bằng, từ sông nước đến phố thị, từ người Kinh tới các dân tộc thiểu số.
Mỗi trò đều gắn với một cộng đồng cụ thể, một không gian văn hóa riêng biệt, nhưng điểm chung là sự mộc mạc, gần gũi và không tốn kém. Những bạn trẻ chỉ cần vài viên sỏi, một sợi dây, một khúc gỗ là có thể mở hội. Trò chơi cũng không phân biệt tuổi tác, trình độ từ trẻ nhỏ, người già đến bậc nho sĩ, ai cũng tìm được “sân chơi” của mình.

Tuy nhiên, đời sống hiện đại dường như đang khiến những “sân chơi” ấy trở nên lỗi thời. Không gian vui chơi truyền thống bị thay thế bởi những tòa cao ốc, lịch học kín mít và thiết bị điện tử khiến trẻ em dần xa rời các trò chơi từng là “kho báu văn hóa” một thời. Nhiều trò đã mất đi người biết chơi, thậm chí cả người biết gọi tên. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, nguy cơ đứt gãy truyền thống là điều khó tránh khỏi.
Trò chơi dân gian không đơn thuần là hoạt động giải trí mà còn mang theo những giá trị giáo dục, triết lý sống và tinh thần cộng đồng sâu sắc. Ở đó, trẻ học cách phối hợp, chia sẻ, kiên nhẫn, rèn thể lực và trí tuệ – những bài học không có trong sách giáo khoa.
Chính vì vậy, việc bảo tồn trò chơi dân gian được coi là một phần quan trọng của công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Những năm gần đây, các viện nghiên cứu, trường đại học, bảo tàng văn hóa đã nỗ lực tư liệu hóa trò chơi dân gian: ghi chép luật chơi, lời đồng dao, đạo cụ… Luật Di sản Văn hóa sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 7/2025) cũng đặt cộng đồng vào vị trí trung tâm trong việc bảo tồn di sản phi vật thể, khuyến khích họ tham gia tích cực vào quá trình gìn giữ.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc ghi chép, lưu trữ, nguy cơ “bảo tàng hóa” trò chơi dân gian là hoàn toàn có thật. Khi đó, di sản sẽ trở thành những mẫu vật tĩnh trong tủ kính, thay vì là một phần sống động trong đời sống cộng đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn bảo tồn bền vừng thì cần làm cho di sản “sống” cùng xã hội hiện đại. Hiểu đơn giản là, trò chơi dân gian không chỉ được gìn giữ mà phải được đưa trở lại đời sống, với hình thức linh hoạt, hấp dẫn và phù hợp với lối sống đương đại.
Một ví dụ cụ thể khi Hội An đã tích hợp các trò chơi dân gian như bài chòi, ô ăn quan, kéo co vào tour du lịch văn hóa. Tại Tây Nguyên cũng vậy, các lễ hội dân tộc cũng đưa trò chơi như ném còn, đẩy gậy thành hoạt động trải nghiệm du lịch. Nhiều khu nghỉ dưỡng, homestay cũng thiết kế lại trò chơi dân gian thành điểm nhấn độc đáo.
Trong giáo dục, một số trường học ở Cần Thơ, Hà Nam, Huế đã đưa trò chơi dân gian vào hoạt động ngoại khóa... Và ở một số lĩnh vực khác cũng đưa trò chơi dân gian thành chất liệu để phát triển du lịch, giúp gần gũi hơn với mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

Theo chia sẻ của em Tâm An (16 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội): "Em rất thích chơi trò chơi dân gian như kéo co, ô ăn quan... bởi những trò chơi này rất đơn giản mà lại vui, vui nhất là khi chơi cùng các bạn khi đi dã ngoại hay mỗi dịp về quê. Không những vậy, những trò chơi dân gian này còn tạo tiếng cưới cho chúng em và gắn kết tình cảm với các bạn cùng trang lứa".
Thực tế là vậy, tuy nhiên, trên môi trường số thì nhiều trò chơi dân gian đã bị "biến tướng" nặng nề. Cụ thể, từ ô ăn quan đến cờ gánh, không ít trò đã bị “game hóa” với các yếu tố như nạp tiền, leo cấp, mua vật phẩm, hoàn toàn trái ngược với tinh thần công bằng, chia sẻ và tập thể mà trò chơi dân gian hướng đến. Hệ quả là người trẻ – đối tượng được kỳ vọng tiếp nhận di sản lại hiểu sai, tiếp cận lệch lạc hoặc dửng dưng trước những giá trị vốn quý.
Bởi vậy, muốn di sản tồn tại theo đúng nghĩa thì cần một chiến lược bảo tồn và khai thác đồng bộ, tôn trọng giá trị gốc nhưng cũng biết thích nghi linh hoạt với thời đại hiện nay. Trò chơi dân gian phải được tư liệu hóa bài bản từ luật chơi, đạo cụ đến bối cảnh để làm nền cho các sáng tạo không bị biến dạng, lệch bản chất của nó.