Tình mẫu tử qua những mảng màu sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Như Đức
(CLO) Sau hơn một thập kỷ sống kín tiếng ở Hội An, họa sĩ Nguyễn Như Đức (sinh năm 1980, Hà Nội) vừa gây xúc động mạnh với công chúng yêu nghệ thuật qua triển lãm "Đất Mẹ" – loạt tác phẩm đầy cảm xúc về người mẹ và những người phụ nữ quan trọng trong đời ông.
Triển lãm trưng bày 32 bức tranh sơn dầu theo phong cách siêu thực hiện thực là kết quả của hành trình 11 năm lặng lẽ, vẽ bằng ký ức và trái tim.
Nguyễn Như Đức thuộc thế hệ họa sĩ 8X, từng khởi đầu con đường nghệ thuật tại phố thị Hà Nội. Tuy nhiên, năm 2014, ông rời thủ đô, chọn Hội An làm chốn đi về, là nơi trở thành quê hương thứ hai và là mảnh đất nuôi dưỡng cảm hứng nghệ thuật bền bỉ.
Không ồn ào trên truyền thông, không chạy theo thị trường, Nguyễn Như Đức chọn sống ẩn dật. Ông làm đủ nghề để mưu sinh, dành thời gian vẽ tranh trong âm thầm. Có bức tranh mất cả năm mới hoàn thành, mỗi tác phẩm là một “chốn dừng chân”, không phải bàn đạp danh vọng. Với ông, hội họa không chỉ là đam mê mà là cách lưu giữ ký ức, gửi gắm yêu thương, đặc biệt là tình mẫu tử.

Tranh của Nguyễn Như Đức mang phong cách siêu thực hiện thực kết hợp giữa trí tưởng tượng và hình ảnh cụ thể. Người xem bước vào một thế giới mộng mị nhưng vẫn nhận ra những gì rất gần gũi: mái nhà, khu vườn, ánh trăng, người mẹ… Những chi tiết dày đặc, khổ tranh lớn khiến tác phẩm của ông vừa cuốn hút vừa gợi nhiều tầng ý nghĩa.
Chủ đề xuyên suốt trong triển lãm "Đất Mẹ" là hình ảnh người mẹ không chỉ là mẹ ruột, mà còn là vợ, con gái, hay biểu tượng đất quê hương. “Ngay cả trong không gian siêu thực, tôi vẫn tin rằng ai cũng sẽ thấy mình đâu đó trong tranh”, ông chia sẻ. Trong thế giới ông kiến tạo, người mẹ hiện lên như bờ vai, bàn tay, ánh mắt; vừa là chốn đi về, vừa là cội nguồn của yêu thương.
Nổi bật trong loạt tranh là tác phẩm "Nghe tiếng lá hát" – một khu vườn tưởng tượng nơi quá khứ và tương lai gặp nhau, nơi những người phụ nữ từ hai thế giới cùng hiện diện. Hay "13 ánh trăng trong vườn", nơi hình tượng "Đất Mẹ" trôi giữa các lớp ký ức và cảm xúc, dẫn dắt người xem qua miền huyền thoại bằng ánh trăng, biểu tượng nữ tính, dịu dàng.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: “Mẹ là đề tài lớn, nhiều khi mang tính trừu tượng, nhưng Đức đã chuyển hóa nó thành câu chuyện hữu hình, gần gũi qua con đường mơ thực, thực mơ…”.

Không chỉ vẽ tranh, Nguyễn Như Đức còn mở lớp học vẽ mùa hè miễn phí cho trẻ em ở Hội An. Lớp học không nhằm đào tạo họa sĩ, mà là nơi giúp các em chơi với màu sắc, sống thật với cảm xúc và nuôi dưỡng khả năng cảm thụ nghệ thuật từ sớm.
Với Nguyễn Như Đức, nghệ thuật không phải để gây choáng ngợp mà để chạm tới những rung động sâu kín trong mỗi người. Và trong hành trình trở về với mẹ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa biểu tượng, ông đã góp phần nhắc nhớ về những điều thiêng liêng, mộc mạc, giản dị nhất trong cuộc sống.
Triển lãm “Đất Mẹ” của họa sĩ Nguyễn Như Đức không chỉ là một sự kiện nghệ thuật, mà còn là lời thì thầm cảm động từ quá khứ vọng về, nơi người mẹ dù ở đâu vẫn mãi là chốn để trở về.