Sau sáp nhập, UBND cấp xã tổ chức thi giáo viên dạy giỏi
(CLO) Từ ngày 1/7, khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức được triển khai, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã sẽ là đơn vị trực tiếp tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi thay thế vai trò trước đây của Phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện.
Theo Thông tư số 12/2025/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 14/6/2025, quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền quản lý nhà nước của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhiều nội dung quan trọng đã được điều chỉnh để phù hợp với mô hình hành chính mới.
Trong đó, đáng chú ý là quy định: “UBND cấp xã sẽ tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi”, thay vì trước đây do Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện thực hiện.

Đây là lần đầu tiên cụm từ “giáo viên dạy giỏi cấp xã” được sử dụng thay cho “giáo viên dạy giỏi cấp huyện”, đồng thời giấy khen từ cấp xã trở lên cũng trở thành căn cứ quan trọng trong mô tả vị trí việc làm của giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Cùng với việc bỏ cấp trung gian là phòng giáo dục huyện, Thông tư 12 cũng quy định thay thế các cụm từ như: “Trưởng phòng GDĐT” ➝ “Chủ tịch UBND cấp xã”; “Phòng GDĐT” ➝ “UBND cấp xã”; “Cấp huyện” ➝ “Cấp xã”
Việc thay thế không chỉ mang tính hình thức mà còn là sự chuyển giao thực quyền về công tác tổ chức, đánh giá, bổ nhiệm đối với đội ngũ nhà giáo.
Ngoài ra, UBND cấp xã còn được giao tổ chức Hội thi giáo viên làm tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh giỏi - vốn trước đây thuộc thẩm quyền của cấp huyện.
Cùng với đó, UBND cấp xã cũng được trao quyền về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
Song song với sự phân quyền cho cấp xã, Sở GD&ĐT tại các tỉnh, thành phố cũng được tăng cường thẩm quyền, đảm nhiệm vai trò chiến lược trong điều hành và kiểm soát chất lượng giáo dục phổ thông. Cụ thể: đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn nghề nghiệp, lựa chọn, phê duyệt giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán trong hệ thống, thực hiện các nhiệm vụ trước đây do Phòng GDĐT đảm nhiệm.
Việc thay đổi mô hình tổ chức thi giáo viên dạy giỏi và nhiều hoạt động chuyên môn khác từ cấp huyện về cấp xã không chỉ là sự thay đổi về mặt hành chính, mà còn phản ánh định hướng lớn của ngành giáo dục: phân quyền mạnh mẽ, tinh giản bộ máy, nâng cao trách nhiệm chính quyền cơ sở.
Thông tư 12/2025/TT-BGDĐT sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, mở đầu cho một giai đoạn điều hành giáo dục phổ thông theo mô hình quản lý mới gắn chặt trách nhiệm với chính quyền địa phương cấp xã, nhưng đồng thời nâng cao năng lực điều phối và kiểm soát từ cấp tỉnh.