Tin tức

Luật Dữ liệu chính thức có hiệu lực, mở đường kiến tạo hạ tầng dữ liệu quốc gia

Đăng Khoa 01/07/2025 20:06

(CLO) Chiều 1/7, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an tổ chức Lễ phát động triển khai Luật Dữ liệu và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Trong khuôn khổ chương trình, Đại tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an đã trình bày những nội dung trọng tâm của Luật Dữ liệu cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần định hướng triển khai thống nhất trên toàn quốc.

luat-du-lieu.jpg
Đại tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia, Bộ Công an giới thiệu, Công bố nền tảng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, Hệ thống quản lý dữ liệu. Ảnh: TTXVN

Luật Dữ liệu được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh toàn diện các vấn đề xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý và sử dụng dữ liệu. Với dấu mốc này, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới sở hữu đạo luật riêng về dữ liệu, khẳng định quyết tâm kiến tạo hành lang pháp lý minh bạch, đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dựa trên dữ liệu.

Để Luật sớm đi vào cuộc sống, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia đã tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ Công an trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đồng bộ bốn văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Các văn bản này gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dữ liệu; Nghị định quy định về Quỹ Phát triển Dữ liệu Quốc gia (Nghị định số 160/2025/NĐ-CP ngày 29/6/2025); Nghị định quy định hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng.

Đáng chú ý, cùng với việc Luật Dữ liệu có hiệu lực từ 1/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về Quỹ Phát triển Dữ liệu Quốc gia nhằm cụ thể hóa khoản 4 Điều 29 của Luật Dữ liệu. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, do Bộ Công an quản lý. Quỹ có ngân sách cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng/năm, với mục tiêu hỗ trợ phát triển công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, học máy; ứng dụng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia, nhất là tại các địa bàn khó khăn; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và thị trường dữ liệu Việt Nam.

Quỹ được phép thực hiện các hoạt động như cho vay ưu đãi, hỗ trợ chi phí, đầu tư và nâng cao năng lực cho tổ chức, cá nhân, trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật. Đồng thời, Quỹ cũng tiếp nhận tài trợ, đóng góp, ủy thác từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đồng hành cùng Nhà nước trong việc xây dựng hạ tầng dữ liệu hiện đại, an toàn, hiệu quả.

Phát biểu tại lễ phát động, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia đánh giá đây là dấu mốc mở đầu cho hành trình triển khai Luật Dữ liệu và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Việc này nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; khắc phục tình trạng cát cứ, trùng lặp, phân mảnh dữ liệu; khơi thông dòng chảy dữ liệu trong toàn xã hội; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số; đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong không gian số.

“Chúng ta có luật, có nghị định của Chính phủ, có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng việc các quy định có đi vào cuộc sống hay không, có tạo ra chuyển biến thực chất hay không, phụ thuộc rất lớn vào tinh thần trách nhiệm và quyết tâm hành động của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan” – Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương nhấn mạnh.

an-toan-du-lieu.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia, Bộ Công an phát biểu. Ảnh: TTXVN

Từ đó, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Trung tâm cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, bám sát các nhiệm vụ được giao trong Luật, các nghị định.

Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến Luật Dữ liệu một cách sâu rộng tới đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân. Việc truyền thông cần sáng tạo, linh hoạt, đa kênh – từ đào tạo, tập huấn nội bộ đến các nền tảng truyền thông số – để mọi đối tượng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và cơ hội từ dữ liệu mang lại. Chỉ khi nhận thức được nâng lên một cách thống nhất, Luật Dữ liệu mới có thể đi vào cuộc sống hiệu quả và bền vững.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương cũng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, không chỉ trong thực thi các quy định của Luật, mà còn trong việc kiến tạo một hệ sinh thái dữ liệu quốc gia mở, minh bạch, nhân văn và phát triển bền vững. Ông mong muốn các doanh nghiệp phát huy vai trò tiên phong, chủ động đóng góp dữ liệu, đầu tư công nghệ, phát triển nền tảng và dịch vụ số dựa trên dữ liệu. Sự tham gia tích cực, bền vững của khu vực tư nhân chính là chìa khóa để Việt Nam phát triển thành công nền kinh tế dữ liệu, hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia số an toàn, hiệu quả, nhân văn.

Đăng Khoa