Những loài động vật có thể đếm số và hiểu được phép toán đơn giản
(CLO) Nhiều loài từ côn trùng, động vật thân mềm, bò sát, chim đến động vật có vú đều có thể phân biệt số lượng. Đây là lợi thế tiến hóa giúp chúng tìm được nhiều thức ăn hơn và tăng cơ hội sống sót.
“Giác quan về số”
Trên thực tế, ý thức về số lượng, hay còn gọi là “giác quan về số”, đã được quan sát ở nhiều loài khác nhau.
Chẳng hạn, ong mật (Apis mellifera) có thể đếm các điểm mốc khi bay tới hoa chứa nhiều mật. Nhện vàng (Nephila clavipes) theo dõi số côn trùng mắc vào lưới. Ếch Túngara (Physalaemus pustulosus) “thi đấu” bằng số tiếng kêu trong các nghi thức giao phối, mỗi con lần lượt phát ra tiếng "chuck" cho đến khi không còn sức. Sư tử cái (Panthera leo) cân nhắc số lượng tiếng gầm của đàn đối thủ để quyết định chiến đấu hay rút lui.
Đặc biệt, năm 2024, các nhà khoa học phát hiện quạ đen (Corvus corone) có thể phát ra chính xác một đến bốn tiếng kêu để phản hồi lại tín hiệu thị giác hoặc âm thanh, một dạng đếm thành tiếng.

Tuy nhiên, Beran cho biết những loài này không "đếm" như con người. Thay vào đó, chúng sử dụng một hệ thống nhận thức gọi là “hệ thống số gần đúng” (ANS) hay "giác quan về số", theo giáo sư thần kinh học Giorgio Vallortigara.
Hệ thống này hoạt động nhờ các “nơ-ron số” phản ứng mạnh với những số lượng cụ thể và đã được phát hiện ngay cả ở gà con mới nở, cho thấy đây là khả năng bẩm sinh.
Giác quan này không giống việc đếm ngón tay, mà liên quan đến việc so sánh nhanh số lượng.
Hai hiệu ứng đặc trưng là hiệu ứng khoảng cách và hiệu ứng kích thước. Hiệu ứng khoảng cách giúp dễ phân biệt các số cách xa nhau hơn như 8 và 4 so với 8 và 6. Hiệu ứng kích thước là ý tưởng cho rằng dễ so sánh các số nhỏ (2 và 4) hơn là số lớn (12 và 14), dù chênh lệch giống nhau.
Theo định luật Weber, động vật nhận biết sự khác biệt về số lượng dựa trên tỷ lệ, không phải con số tuyệt đối. Điều này khác với việc “đếm” thật sự ở người, vốn đòi hỏi hiểu các ký hiệu số, thứ tự và giá trị tương ứng.
Chỉ một số rất ít cá thể, như chú vẹt nổi tiếng Alex và hai con tinh tinh Sheba và Ai, mới có khả năng đếm gần giống con người. Alex không chỉ nhận diện và sắp xếp đúng các chữ số từ 1 đến 8 mà còn có thể cộng hai nhóm đồ vật như bánh quy hoặc kẹo dẻo.
Động vật có thể làm toán không?
Với nhiều nhà khoa học, đếm được xem là bước đệm và nền tảng của toán học, nhưng chưa phải là toán học thực sự. Dù một số loài động vật có thể nhận ra sự thay đổi về số lượng, nghĩa là có khả năng "đếm" cơ bản, hầu hết chúng không thực hiện được các phép toán số học như cộng, trừ, nhân hoặc chia theo cách con người làm.
Các thí nghiệm đã cho thấy một số loài động vật có thể học và xử lý các phép toán đơn giản. Khi được huấn luyện để liên kết màu sắc hoặc ký hiệu với các phép toán, một số loài như vẹt xám châu Phi, chim bồ câu, linh trưởng, ong mật, cá đuối gai độc và cá rô phi có thể thực hiện phép cộng và trừ với các số nhỏ.
Trong các thí nghiệm, chúng học cách hiểu các tín hiệu thị giác, chẳng hạn, một chấm xanh nghĩa là "cộng 1" và áp dụng quy tắc đó để giải các bài toán đơn giản.
Tuy vậy, nếu bài toán phức tạp hơn, như phép tính 12 + 22, hay các công thức trong đại số, thì khả năng toán học của động vật rất hạn chế.