Chuyển đổi số ở Nam Định: "Bình dân học vụ số" - Cuộc cách mạng từ những điều bình dị nhất
Không chỉ là những con số ấn tượng, chuyển đổi số tại Nam Định còn là câu chuyện về phong trào "Bình dân học vụ số" đầy ý nghĩa. Từ việc phổ cập kỹ năng sử dụng AI đến việc xây dựng công dân số, Nam Định đang chứng minh tinh thần "toàn dân, toàn diện" trong việc kiến tạo một xã hội số bền vững, thịnh vượng.
Là địa phương giàu truyền thống hiếu học, văn hóa, yêu nước và cách mạng, Nam Định đang gặt hái nhiều thành tựu nổi bật trong công cuộc chuyển đổi số. Tỉnh đã sẵn sàng tâm thế và ưu tiên nguồn lực để thực hiện chương trình “Bình dân học vụ số” với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau. Quyết tâm này nhằm giành thắng lợi trong cách mạng chuyển đổi số, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Từ "chuyển đổi nhận thức" đến những hành động cụ thể
Thời gian qua, thực hiện lộ trình chuyển đổi số, Nam Định đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung nguồn lực vào công tác phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều này được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định rõ quan điểm chỉ đạo là "chuyển đổi số trên cơ sở nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", và "chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức".
Quán triệt quan điểm đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) phối hợp với các sở, ngành, chính quyền các cấp tổ chức thành công hơn 50 hội nghị phổ biến các nội dung về chuyển đổi số; 150 hội nghị đào tạo, phổ biến kỹ năng số cho người dân tại các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, việc thành lập và tổ chức hoạt động có hiệu quả Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm trên địa bàn tỉnh đã góp phần đào tạo, hướng dẫn nâng cao năng lực số, kỹ năng số cho người dân. Hoạt động tích cực này đã tạo sự đồng thuận, thúc đẩy người dân tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi số của tỉnh. Nhờ đó, quá trình chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của Nam Định đã đạt nhiều kết quả nổi bật, được Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương đánh giá cao và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu toàn quốc.
"Bình dân học vụ số" - Chìa khóa phổ cập công nghệ
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, phong trào “Bình dân học vụ số” ra đời với mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là những người ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, có kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống. Từ đó, người dân tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số và thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang lại. Phong trào không chỉ hướng tới người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số, mà còn đặt mục tiêu cụ thể về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, học sinh có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc.

Gắn việc thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” với việc triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Nam Định đã tổ chức khóa tập huấn “Ứng dụng AI trong hỗ trợ truyền thông, marketing và quản lý doanh nghiệp cho các Start-up Nam Định”. Các buổi tập huấn đã truyền tải nhiều nội dung quan trọng như: Làm quen và sử dụng công cụ AI cơ bản (trợ lý học tập, tìm kiếm thông minh, tạo báo cáo, thuyết trình); Ứng dụng AI vào học tập và nghiên cứu (viết bài tiểu luận, luận văn, tổng hợp tài liệu); Tổ chức hoạt động Đoàn - Hội hiệu quả (truyền thông số, quản lý dữ liệu đoàn viên, ứng dụng công cụ tự động); Nhận thức và đạo đức số (bảo mật thông tin, sử dụng công nghệ có trách nhiệm); “Truyền thông sáng tạo với AI”, “Marketing tự động hóa bằng AI” và “Quản lý doanh nghiệp với AI”.
Các học viên được hướng dẫn cách xây dựng kịch bản truyền thông, viết nội dung quảng cáo bằng AI; thiết kế các ấn phẩm truyền thông tự động như banner, infographic và bộ nhận diện thương hiệu; sản xuất video bán hàng bằng AI với các công cụ chuyển văn bản thành video, lồng tiếng tự động… Đây là những giải pháp đang được các doanh nghiệp công nghệ lớn triển khai và đã bắt đầu trở nên dễ tiếp cận với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những nội dung này góp phần nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng công nghệ mới cho lực lượng thanh niên, cộng đồng khởi nghiệp Nam Định, giúp họ ứng dụng công nghệ AI vào thực tế công việc chuyên môn, lao động, học tập, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh trên thị trường, đồng thời là cẩm nang để lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm cho cộng đồng.

Cùng với đó, tỉnh Nam Định đã chủ động xây dựng kế hoạch trang bị kiến thức và kỹ năng sử dụng, ứng dụng nền tảng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Lựa chọn lực lượng chủ lực là đoàn viên thanh niên, hội viên Hội Phụ nữ và cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố làm nòng cốt và phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng để phổ cập tri thức, xóa mù công nghệ, hướng dẫn sử dụng các nền tảng, thiết bị, công cụ kỹ thuật số đến mọi tầng lớp nhân dân. Đây là lực lượng tiên phong, gương mẫu trong tiến trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời là hạt nhân, là nền tảng để lan tỏa tri thức về công nghệ số đến toàn dân.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định Trần Thị Định cho biết: Phong trào “Bình dân học vụ số” là sự tiếp nối tinh thần "khai dân trí" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng từ năm 1945, nay được chuyển hóa thành cuộc cách mạng “xóa mù số” trong thời đại chuyển đổi số. Đây cũng là hành động thiết thực hưởng ứng tinh thần học tập suốt đời đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh và là nội dung cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Với tinh thần “Học để hiểu - Hiểu để thay đổi - Thay đổi để phát triển”, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ là người học trước, làm trước, truyền cảm hứng trước, góp phần đưa chuyển đổi số đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả, bắt đầu từ chính ngôi nhà của mình.

Phong trào kêu gọi mỗi người dân – đặc biệt là phụ nữ – chủ động học hỏi, nắm bắt và ứng dụng công nghệ số trong cuộc sống hằng ngày, để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số. Hội LHPN các cấp sẽ phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội, bằng những hành động thiết thực, sáng tạo, góp phần xây dựng công dân số và triển khai hiệu quả phong trào trong Hội phụ nữ các cấp. Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, lan tỏa phong trào đi vào chiều sâu, đến từng ngõ phố, từng hộ gia đình hội viên, hình thành thói quen và văn hóa trong môi trường số góp phần xây dựng Nam Định là điểm sáng trong chuyển đổi số quốc gia.
Trong khuôn khổ chương trình phối hợp giữa Tỉnh đoàn Nam Định và Viện Ứng dụng Công nghệ và Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hội nghị tập huấn “Bình dân học vụ số – Nâng cao năng lực sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho đoàn viên thanh niên” đã được tổ chức tại Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thực hiện mục tiêu phổ cập kỹ năng số toàn dân, hướng tới xây dựng một xã hội số bền vững. Nội dung nhằm để thanh niên làm quen và sử dụng công cụ AI cơ bản, trợ lý học tập, tìm kiếm thông minh, tạo báo cáo, thuyết trình; Ứng dụng AI vào học tập và nghiên cứu: viết bài tiểu luận, luận văn, tổng hợp tài liệu; Tổ chức hoạt động Đoàn – Hội hiệu quả: truyền thông số, quản lý dữ liệu đoàn viên, ứng dụng công cụ tự động; Nhận thức và đạo đức số: bảo mật thông tin, sử dụng công nghệ có trách nhiệm. Chương trình cũng đặt mục tiêu cụ thể trong việc góp phần thực hiện các chỉ đạo về chuyển đổi số, bao gồm: xây dựng xã hội học tập toàn dân; phổ cập kỹ năng số đến thanh niên ở mọi vùng miền; thu hẹp khoảng cách số giữa các tầng lớp cư dân.
Với những kết quả tích cực bước đầu, Tỉnh đoàn Nam Định và Viện Ứng dụng Công nghệ kỳ vọng, mô hình “Bình dân học vụ số” sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên cả nước, tạo thành phong trào học tập công nghệ mạnh mẽ trong cộng đồng thanh niên, góp phần quan trọng vào sự thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Đặc biệt, vừa qua, tỉnh Nam Định đã phối hợp với Tập đoàn công nghệ Viễn thông quân đội Viettel và các doanh nghiệp viễn thông khác xây dựng hình thức, phương tiện và cơ sở vật chất phục vụ truyền tải, giúp người dân làm chủ kỹ năng số. Gắn việc thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” với việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Với nền tảng vững chắc là thành tựu trong công cuộc chuyển đổi số; kinh nghiệm trong việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ cập kỹ năng số cho người dân và tinh thần quyết tâm không để ai bị ở lại phía sau trong tiếp cận công nghệ số, phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong kỷ nguyên số. Đây là bước đi vững chắc trong việc xây dựng nền tảng xã hội số, hướng tới một tương lai bền vững, nơi mọi người dân đều được trang bị kiến thức và công cụ để phát triển trong thế giới số hóa.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân, phong trào “Bình dân học vụ số” ở Nam Định đang từng bước tạo nền tảng vững chắc để hình thành xã hội số, công dân số một cách thực chất, triệt để, đồng bộ, toàn diện. Qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong kỷ nguyên số.