TP HCM: Nhiều đoạn của đường Vành đai 3 sẽ được thông xe vào cuối năm nay
(CLO) Đây là nội dung trong báo cáo về việc triển khai thi đua quyết tâm hoàn thành Dự án đường Vành đai 3 TP HCM, hưởng ứng đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban Giao thông) – chủ đầu tư dự án Vành đai 3, đến nay các gói thầu xây lắp và bồi thường, giải phóng mặt bằng cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra. Do đó, sẽ có hơn 47 km đường Vành đai 3 đi qua địa bàn TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (cũ) sẽ được thông xe cuối tháng 12/2025.
Được biết, dự án Vành đai 3 TP HCM có 14 gói thầu xây lắp trong đó 10 gói xây lắp chính đang triển khai thi công, khối lượng đạt khoảng 41%. Riêng 4 gói thầu phục vụ vận hành đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật để trình Sở Xây dựng thẩm định. Tính đến tháng 6/2025, dự án đã được giải ngân 7.848 tỷ đồng.
Nguồn cung vật liệu phục vụ dự án đang được đảm bảo thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác để hoàn tất thủ tục cấp phép khai thác cát. Tính đến nay, toàn bộ 13/13 mỏ cát đã được cấp phép và các đơn vị thi công đang vận chuyển về công trường phục vụ san lấp.
Ngoài ra, Ban Giao thông đã chỉ đạo các nhà thầu chủ động huy động thêm nguồn cát thương mại trong nước và nhập khẩu từ Campuchia nhằm ứng phó linh hoạt với nhu cầu vật liệu lớn trong giai đoạn cao điểm thi công.

Tính đến ngày 18/5/2025, tổng diện tích đất đã thu hồi và bàn giao cho dự án đạt 410,1/410,4 ha, tương đương 99,9%. Để tiếp tục đảm bảo tiến độ dự án, đại diện Ban Giao thông cho biết các nhà thầu được yêu cầu tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp bù lại tiến độ đã chậm, áp dụng các giải pháp kỹ thuật rút ngắn thời gian thi công.
Đồng thời, việc thi công cũng áp dụng nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là công tác xử lý đất yếu như tăng tải, tăng mật độ bấc thấm để rút ngắn thời gian gia tải; điều chỉnh biện pháp bấc thấm gia tải bằng bơm hút chân không hoặc CDM tại các vị trí có chiều sâu xử lý đất yếu lớn…
Dự kiến đến 31/12/2025, dự án sẽ thông xe kỹ thuật 14,7km phần cầu cạn và thông xe kỹ thuật 32,6km phần cao tốc. Phấn đấu đến 30/6/2026 sẽ thông xe toàn bộ dự án thành phần 1, đường Vành đai 3 TP HCM.
Cũng liên quan đến dự án này, TP HCM đã quyết định phương án đầu tư 15,3km đường Mỹ Phước – Tân Vạn trùng với dự án Vành đai 3 TP HCM với 6 nút giao. Phương án này nhằm đảm bảo giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn được thông suốt.
Cụ thể, đoạn 15,3km được đầu tư bắt đầu từ khu du lịch Thủy Châu (giao đường ĐT743A) và kết thúc tại nút giao Bình Chuẩn. Trên đoạn này, các nút giao cắt quan trọng với đường ngang sẽ được ưu tiên làm cầu vượt hoặc hầm chui, mặt cắt ngang mỗi cầu/hầm rộng từ 2 đến 4 làn xe. Đồng thời, các hạng mục phụ trợ như đường gom, vỉa hè, thoát nước… cũng sẽ được đầu tư đồng bộ.
Đoạn đường 15,3km này không chỉ là một phần trùng với dự án Vành đai 3 mà còn đóng vai trò "xương sống giao thông" của Bình Dương, khi kết nối loạt khu công nghiệp lớn như Mỹ Phước, VSIP, Sóng Thần… đến TP HCM, sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng lớn ở khu Đông.
Được biết, toàn tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn có chiều dài gần 64km kết nối từ huyện Bến Cát (Bình Dương) đến TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã được xây dựng 6 làn xe, đưa vào sử dụng từ năm 2025. Tuyến đường này có tính chất giao thông – logistics – công nghiệp và hiện đang gánh chịu áp lực rất lớn từ lượng xe tải, xe container ra vào hàng ngày.
Dự án được xây dựng trong năm 2025 và hoàn thành trong năm 2026 để kịp thời kết nối với đường Vành đai 3 TP HCM khi đưa vào vận hành.