Du lịch

Phát triển du lịch hồ Ba Bể gồm vùng hạt nhân và 4 không gian chức năng

Thế Vũ 03/07/2025 06:26

(CLO) Chính phủ quy hoạch phát triển du lịch hồ Ba Bể gồm vùng hạt nhân và 4 không gian chức năng chính.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính vừa ký Quyết định số 1407/QĐ-TTg về quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn, nay là tỉnh Thái Nguyên).

Theo quy hoạch, tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan của khu vực lấy hồ Ba Bể làm hạt nhân, đồng thời xác lập 4 không gian chức năng chính.

ba-be.jpg
Hồ Ba Bể được UNESCO chọn là một trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất trên thế giới. Ảnh: TL

Trong đó, không gian phía Bắc sẽ khai thác giá trị nổi bật về cảnh quan sông nước, thác, hang động tự nhiên, văn hóa bản địa và đầu mối kết nối Hồ Ba Bể với khu vực Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) dọc theo sông Năng.

Phía Nam hình thành không gian bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc bản địa; khai thác các giá trị cảnh quan, sinh thái, văn hóa cộng đồng và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ dọc sông Lèng.

Không gian phía Đông hình thành trung tâm đón tiếp, điều hành, khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, giáo dục môi trường, nghỉ dưỡng gắn với Vườn quốc gia Ba Bể.

Phía Tây là không gian bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa của cộng đồng bản địa người Mông, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và sinh thái.

Các không gian được kết nối theo các trục liên kết chính, gồm: Trục liên kết sinh thái tự nhiên Hồ Ba Bể; liên kết theo trục giao thông Quốc lộ 3C (đường 254 hiện tại); Tuyến Khang Ninh - Na Hang; Tuyến Nam Mẫu - Quảng Khê.

Định hướng phân khu chức năng được quy hoạch phát triển thành 19 phân khu, bảo đảm lồng ghép với các định hướng quy hoạch xây dựng làm cơ sở triển khai các dự án thành phần.

Về định hướng thị trường khách du lịch, trước mắt sẽ khai thác khách du lịch trong nước, hướng đến tăng dần tỷ trọng khách du lịch quốc tế; chú trọng khai thác các phân khúc khách chi trả cao và có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và di sản văn hóa.

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gồm du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị nổi bật về cảnh quan, địa chất. Hình thành chuỗi các sản phẩm: Thung lũng đá thạch nhũ (Động Hua Mạ và khu vực ven sông Lèng), làng nhà sàn (khu vực Pác Ngòi), vùng đất ngập nước (khu vực suối Cốc Tộc), rừng cao nguyên (khu vực Khau Qua), sông nước (khu vực sông Năng) và thác nước (khu vực thác Đầu Đẳng); du lịch cộng đồng khai thác các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc ít người Tày, Mông, Dao, Nùng.

Các sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tín ngưỡng, gắn với các khu vực: động Hua Mạ, đền An Mạ, thác Đầu Đẳng, động Puông, đảo Bà Góa, Ao Tiên; du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm và phát triển sản phẩm OCOP.

Hồ Ba Bể là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Bắc, hình thành cách đây hơn 200 triệu năm trong quá trình kiến tạo lục địa. Nơi đây mang giá trị đặc biệt về địa chất và địa mạo, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi và rừng nguyên sinh rậm rạp.

Cảnh quan hồ là sự hòa quyện của vách núi dựng đứng, cây cỏ xanh mướt, những khóm lan rừng đủ màu sắc và các dòng suối len lỏi đổ về mặt nước, tạo nên một không gian sơn thủy hữu tình, vừa lãng mạn vừa thanh tao. Nhờ hệ sinh thái phong phú và điều kiện tự nhiên đặc biệt, nước hồ quanh năm xanh biếc, khí hậu trong lành, mát mẻ.

Với những giá trị cảnh quan và sinh thái nổi bật, Hồ Ba Bể đã được UNESCO xếp vào top 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới cần được bảo vệ và phát triển.

Thế Vũ