Xã hội

Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm: Bộ Y tế quyết 'quét sạch' quảng cáo sai sự thật và sản phẩm kém chất lượng

Văn Hiền 03/07/2025 08:33

(CLO) Sau hàng loạt bê bối thực phẩm bổ sung, chức năng thổi phồng công dụng, thậm chí làm giả, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

Với những quy định mới cực kỳ mạnh tay, từ tự công bố, quảng cáo đến hậu kiểm, mục tiêu là bịt kín mọi lỗ hổng, "quét sạch" thị trường khỏi sản phẩm kém chất lượng, bảo vệ sức khỏe người dân đến cùng.

Vì sao cần sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP?

Thực tiễn thi hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là trước tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng các quy định để "lách luật", gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của thị trường. Các vụ việc vi phạm như sản phẩm thực phẩm bổ sung quảng cáo sai sự thật, sản xuất và buôn bán sữa bột, thực phẩm chức năng giả mạo quy mô lớn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải siết chặt quản lý.

y tế 1
Dự thảo mới của Bộ Y tế đang tìm cách vá lại những "lỗ hổng" nhằm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Ngày 15/5/2025, Bộ Y tế đã có văn bản số 2921/BYT-ATTP báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ về những đề xuất bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, nhằm giải quyết ngay những tồn tại liên quan đến tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm, quảng cáo và hậu kiểm.

Những điểm nổi bật trong Dự thảo Nghị định sửa đổi

Dự thảo Nghị định tập trung vào việc bổ sung và hoàn thiện nhiều quy định quan trọng, cụ thể:

  • Tăng cường kiểm soát hồ sơ tự công bố (điểm b khoản 4, điểm d khoản 28 Điều 1 Dự thảo Nghị định): Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố, yêu cầu cho ý kiến và đăng tải hồ sơ trên cổng thông tin điện tử. Đồng thời, tăng cường xây dựng và triển khai kế hoạch hậu kiểm hồ sơ, lấy mẫu giám sát chất lượng khi phát hiện vi phạm. Điều này nhằm khắc phục tình trạng nhiều doanh nghiệp tự công bố sản phẩm không đúng bản chất, thổi phồng công dụng hoặc không tuân thủ chất lượng.
  • Thực phẩm bổ sung bắt buộc đăng ký bản công bố sản phẩm (khoản 5, 6, 7 Điều 1 Dự thảo Nghị định): Đây là điểm mới quan trọng nhằm kiểm soát chặt chẽ nhóm sản phẩm này, tránh tình trạng tổ chức, cá nhân công bố sai nhóm sản phẩm, biến thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành thực phẩm bổ sung để tự công bố và quảng cáo sai sự thật.
  • Siết chặt quản lý đối với nhóm sản phẩm đặc thù (khoản 6, 7 Điều 1 Dự thảo Nghị định): Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm sẽ được quy định chặt chẽ hơn, kiểm soát từ khâu phối hợp thành phần, chỉ tiêu an toàn, chất lượng đến tính năng, công dụng sản phẩm. Điều này nhằm hạn chế việc doanh nghiệp sử dụng nhiều thành phần không có công dụng thực tế chỉ để quảng cáo.
  • Công bố đầy đủ chỉ tiêu chất lượng sản phẩm (khoản 4, 6, 7 Điều 1 Dự thảo Nghị định): Buộc tổ chức, cá nhân phải công bố các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Quy định này nhằm chấm dứt tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc chỉ kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn mà bỏ qua chỉ tiêu chất lượng.
  • Thu hồi giấy phép và gỡ bỏ thông tin sản phẩm vi phạm (khoản 9 Điều 1 Dự thảo Nghị định) : Bổ sung quy định về thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và gỡ bỏ thông tin sản phẩm vi phạm trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước. Đây là biện pháp cứng rắn nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật.
  • Tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cá nhân vi phạm (khoản 6, 7 Điều 1 Dự thảo Nghị định): Quy định tạm dừng tiếp nhận hồ sơ các thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP cho đến khi chấp hành xong quyết định xử lý.
  • Nâng cao yêu cầu về điều kiện sản xuất (khoản 6, 7 Điều 1 Dự thảo Nghị định): Bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc chứng nhận tương đương đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi. Điều này nhằm nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các tổ chức thứ ba được chỉ định cấp chứng nhận.
  • Tăng cường hậu kiểm và kết nối dữ liệu: Quy định cụ thể về việc xây dựng kế hoạch, nội dung, tần suất, các trường hợp hậu kiểm theo kế hoạch và đột xuất. Đồng thời, yêu cầu các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính và UBND cấp tỉnh hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ công tác hậu kiểm, giám sát chất lượng và thu hồi sản phẩm.
  • Siết chặt giám sát quảng cáo trên môi trường số (khoản 20, 26, 27 Điều 1 Dự thảo Nghị định): Tăng cường kiểm soát quảng cáo trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội; kiểm tra, giám sát đơn vị kinh doanh, người chuyển tải quảng cáo và người có ảnh hưởng thực hiện quảng cáo thực phẩm; xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo và công khai mối quan hệ giữa người ảnh hưởng với đơn vị tài trợ.
  • Quy định rõ trách nhiệm các bộ, ngành (khoản 24, 25, 26, 27 Điều 1 Dự thảo Nghị định): Phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Công an và UBND tỉnh trong công tác quản lý ATTP, nhằm kiểm soát chặt chẽ sản phẩm giả, làm giả phiếu kiểm nghiệm, kinh doanh, quảng cáo trên môi trường số và kiểm soát giá.
  • Kiểm soát chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm, nguyên liệu (khoản 18 Điều 1 Dự thảo Nghị định): Bổ sung quy định về chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng đối với sản phẩm, nguyên liệu thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thuộc diện phải có giấy phép xuất nhập khẩu.
  • Thay đổi nội hàm kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu (khoản 13, 14, 15, 16 Điều 1 Dự thảo Nghị định): Quy định chi tiết các phương thức, nội dung kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu; các trường hợp miễn kiểm tra; trường hợp kiểm tra hồ sơ, cảm quan, ghi nhãn, bao gói và lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn.
Y tế
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP diễn ra sau hàng loạt vụ việc vi phạm ATTP gây bức xúc dư luận, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tự công bố, quảng cáo và chất lượng sản phẩm.

Việc sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bảo vệ tối đa quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp chân chính. Bộ Y tế đã có công văn số 4223/BYT-ATTP ngày 2/7/2025 thông báo nội dung Nghị định sửa đổi, bổ sung này.

Văn Hiền