Điều tra

Công ty Dược Khoa cần minh bạch thông tin trước phản ánh dấu hiệu ‘thổi phồng’ công dụng thực phẩm chức năng, vi phạm quy định về quảng cáo?

Quốc Trần 03/07/2025 09:46

(CLO) Công ty Cổ phần Dược Khoa (DK Pharma) có địa chỉ tại số 9 Nguyễn Công Trứ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội sản xuất nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) nhưng quảng cáo trên các website có dấu hiệu ‘thổi phồng’ công dụng, vi phạm quy định về quảng cáo, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng?

Theo giới thiệu, Công ty Cổ phần Dược Khoa (DK Pharma) là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập theo Quyết định số: 1633/QĐ-BYT ngày 25/5/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Công ty là doanh nghiệp thử nghiệm của Trường Đại học Dược Hà Nội theo chủ trương "Thử nghiệm mô hình doanh nghiệp trong các đơn vị hành chính sự nghiệp" của Chính phủ.

8eddc214-7e58-4ff8-b1ea-05b502470df9.jpg
Trụ sở Công ty Cổ phần Dược Khoa - DK Pharma.

DK Pharma có Nhà máy dược phẩm tại Khu công nghiệp Quế Võ 2 Bắc Ninh và xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp, trải dài từ Bắc vào Nam, gồm 4 đơn vị phân phối là, Công ty Cổ phần Thương mại Dược khoa: Chuyên phân phối các sản phẩm tân dược; Công ty TNHH Dược Khoa Xanh: Chuyên phân phối nhóm sản phẩm mỹ phẩm thảo dược; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Dược Khoa: Chuyên phân phối các sản phẩm từ dược liệu thiên nhiên; Công ty Cổ Phần Thương Mại Dược Khoa Sài Gòn: Phân phối toàn bộ các dạng sản phẩm của Công ty ở thị trường các tỉnh khu vực phía nam.

Ngoài ra, DK Pharma còn có hơn 10.000 điểm bán là nhà thuốc, bệnh viện, cửa hàng mẹ – bé từ Bắc vào Nam.

betic 11
Sản phẩm Viên tiểu đường DK-Betics Gold do DK Pharma sản xuất, được quảng cáo trên facebook không hề ghi thông tin bắt buộc: “sản phẩm không phải là thuốc” - ảnh bạn đọc cung cấp

Lợi dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo sản phẩm?

DK Pharma sản xuất nhiều sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) được quảng cáo rầm rộ trên nhiều trang web, mạng xã hội (facebook); tuy nhiên, phản ánh đến báo Nhà báo và Công luận, bạn đọc cho rằng, việc quảng cáo này có dấu hiệu ‘thổi phồng’ công dụng của thực phẩm chức năng, vi phạm quy định về quảng cáo, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Đơn cử như sản phẩm Viên tiểu đường DK-Betics Gold do DK Pharma sản xuất, được quảng cáo trên website (https://duockhoashop.com/shop/vien-tieu-duong-dk-betics-gold/ - https://dkpharma.vn/san-pham-cho-benh-nhan-tieu-duong/) có công dụng hỗ trợ giảm và duy trì đường huyết ổn định, giúp giảm nguy cơ biến chứng do tiểu đường. Sản phẩm này là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc.

Tuy nhiên, những quảng cáo trên mạng xã hội facebook, trên một số website như: https://www.tieuduong.asia/ thì cho thấy, sản phẩm Viên tiểu đường DK-Betics Gold của DK Pharma không khác gì “thần dược”, như một loại thuốc chữa bệnh có thể chữa được tiểu đường. Trong khi đó, phần quảng cáo không hề nhắc đến đây chỉ là sản phẩm hỗ trợ: “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Việc lập lờ trong quảng cáo dẫn đến người tiêu dùng có thể tin rằng đây là một loại thuốc “thần kỳ” giúp chữa bệnh tiểu đường.

Betics 3
Người tiêu dùng có thể tin rằng Viên tiểu đường DK-Betics Gold là một loại thuốc “thần kỳ” giúp chữa bệnh tiểu đường qua quảng cáo - ảnh bạn đọc cung cấp

Cũng theo ý kiến phản ánh, trong phần quảng cáo Viên tiểu đường DK-Betics Gold trên https://www.tieuduong.asia/ còn xuất hiện hàng loạt hình ảnh những người được cho là Giáo sư, thạc sĩ, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú của các bệnh viện hay đã từng công tác trong ngành y quảng cáo, kêu gọi mua sản phẩm nay, như: Đại tá, thầy thuốc ưu tú Phạm Hòa Lan – Nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thuốc, Trang thiết bị Y tế Cục Quân y – Bộ Quốc Phòng; Thầy thuốc ưu tú, Ths. Bs Nguyễn Thị Hằng - Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam; Dược sĩ Thanh Hà; Ts. Bs Mai Thị Minh Hậu – Nguyên trưởng khoa nội tiết, bệnh viện 198 Bộ Công an.

Việc mượn hình ảnh nêu trên được xem là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Việc lợi dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ nhằm quảng cáo thực phẩm chức năng đã nhiều lần được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh, các viện, các trường đại học, cao đẳng y, dược; các hội, hiệp hội liên quan đến thực phẩm; Tổng hội Y học Việt Nam rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đối với bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế (bao gồm cả người đã nghỉ công tác) nếu có vi phạm về quảng cáo thực phẩm.

betic.jpg
Có dấu hiệu lợi dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ quảng cáo Viên tiểu đường DK-Betics Gold - ảnh bạn đọc cung cấp

"Mập mờ" trong quảng cáo

Sản phẩm tiếp theo mà bạn đọc phản ánh đó là Viên uống Hàu Maca được quảng cáo trên các website: https://duockhoashop.com/shop/vien-uong-hau-maca/, https://nhathuocminhchau.com/hau-maca#cong-dung-cua-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-hau-maca-dkpharma-hop-30-vien thiếu thông báo bắt buộc “sản phẩm không phải là thuốc", số công bố sản phẩm và giấy phép quảng cáo. Việc sản phẩm quảng cáo thiếu thông báo bắt buộc “sản phẩm không phải là thuốc” có thể dẫn đến hiểu lầm đối với khách hàng, cho rằng đây là một dạng thuốc chữa bệnh.

Đặc biệt, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực dược, y tế, việc hướng dẫn sử dụng chỉ nêu ngắn gọn: "Uống 2 viên/ngày hoặc theo ý kiến bác sĩ," thiếu chi tiết về các lưu ý, chống chỉ định, hoặc tác dụng phụ tiềm tàng. (Ví dụ, DHEA có thể gây tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng).

viên uống hàu
01 maca
Quảng cáo thiếu thông báo bắt buộc “sản phẩm không phải là thuốc” có thể dẫn đến hiểu lầm đối với khách hàng, cho rằng đây là một dạng thuốc chữa bệnh - ảnh bạn đọc cung cấp

Còn đối với sản phẩm Nước súc miệng họng Yaocare Medic do DK Pharma sản xuất được quảng cáo trên nhiều website như: https://yaocaremedic.vn/nuoc-suc-mieng-hong-yaocare-medic/, https://dkpharma.vn/cham-soc-mieng-hong/nuoc-suc-mieng-hong-yaocare-medic-250-ml.html, https://www.pharmart.vn/cham-soc-rang-mieng/nuoc-suc-mieng-hong-yaocare-medic-770.html? là sản phẩm hỗ trợ vệ sinh răng miệng, kháng khuẩn, ngăn ngừa sâu răng, làm trắng răng, giảm viêm họng, viêm amidan, viêm lợi, và khử mùi hôi miệng. Thành phần chính bao gồm: tinh dầu Trầu không (Piper betle oil), Tinh dầu Đinh hương (Clove essential oil), Saccharin sodium, Sodium fluoride (0,05%), Sucralose, Mannitol, Menthol, Cremophor RH 40, Acid acetic, Sodium hydroxyd, Chlorhexidine gluconate (0,12%), Nước tinh khiết (Purified water).

Tuy nhiên, qua những quảng cáo cho thấy, chưa xác định được sản phẩm này thuộc danh mục mỹ phẩm (dung dịch vệ sinh răng miệng), dược phẩm, hay thực phẩm chức năng, vì mỗi loại có quy định quảng cáo khác nhau:

Nếu là mỹ phẩm, quảng cáo phải tuân theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP và không được tuyên bố công dụng điều trị bệnh; Nếu là dược phẩm, phải được cấp phép lưu hành bởi Cục Quản lý Dược và quảng cáo phải có chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền; Nếu là thực phẩm chức năng, phải tuân theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP và không được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

Dựa trên các tuyên bố quảng cáo (hỗ trợ điều trị viêm họng, viêm amidan, viêm lợi, v.v.), sản phẩm có dấu hiệu được quảng cáo như dược phẩm hoặc thực phẩm chức năng, nhưng thông tin trên trang web không nêu rõ phân loại chính thức, có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo.

súc họng
Nếu Yaocare Medic chỉ là mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng, việc tuyên bố "hỗ trợ điều trị" các bệnh lý cụ thể như viêm họng, viêm amidan, hoặc viêm nấm Candida có dấu hiệu vi phạm.

Cũng theo Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 quy định, quảng cáo không được gây hiểu lầm rằng sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh nếu không phải là thuốc. Và nếu Yaocare Medic chỉ là mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng, việc tuyên bố "hỗ trợ điều trị" các bệnh lý cụ thể như viêm họng, viêm amidan, hoặc viêm nấm Candida có dấu hiệu vi phạm, vì mỹ phẩm chỉ được phép tuyên bố tác dụng làm sạch, bảo vệ, hoặc cải thiện thẩm mỹ, không được quảng cáo chữa bệnh.

Đồng thời, ngay cả khi là thực phẩm chức năng, quảng cáo phải ghi rõ "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" theo Điều 6, Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, thông tin trên trang các web không có dòng cảnh báo này, làm tăng nguy cơ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Nếu Yaocare Medic là dược phẩm hoặc thực phẩm chức năng, quảng cáo phải được Cục An toàn Thực phẩm hoặc Cục Quản lý Dược phê duyệt trước khi công bố. Tuy nhiên, không có thông tin trên trang web duockhoashop.com xác nhận rằng nội dung quảng cáo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Điều 27, Nghị định 117/2018/NĐ-CP, quảng cáo sản phẩm y tế mà không có giấy phép là hành vi bị cấm. Ví dụ cụ thể: Các tuyên bố về công dụng điều trị (như hỗ trợ viêm họng, viêm amidan) cần được kiểm chứng và cấp phép, nhưng trang web không cung cấp bằng chứng về việc này.

03.jpg
Nhiều sản phẩm của DK Pharma được bán trên các nền tảng- ảnh bạn đọc cung cấp

Trước sự việc trên, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Công ty Cổ phần Dược Khoa để làm rõ, có thông tin khách quan, đa chiều. Tuy nhiên, nhân viên của Công ty này lại cho rằng doanh nghiệp "khi cần thì mới phản hồi".

Qua đây, báo Nhà báo và Công luận đề nghị Công an Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ những dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng của DK Pharma, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) và công khai trước công luận.

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Quốc Trần