Tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc tồn đọng trong công tác quản lý hoạt động vận tải
(CLO) Dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định bằng ô tô sẽ có khung quy định kinh tế - kỹ thuật cụ thể. Kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc tồn đọng trong công tác quản lý hoạt động vận tải hiện nay.
Từ ngày 15/8, dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định bằng ô tô sẽ có khung quy định kinh tế - kỹ thuật cụ thể, giúp chuẩn hóa hoạt động vận tải, tạo cơ sở tính toán giá vé và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Theo đó, Thông tư 13/2025/TT-BXD - Bộ Xây dựng, một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng quy định rõ về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ.
Đây là lần đầu tiên ngành xây dựng trực tiếp ban hành một văn bản riêng cho loại hình dịch vụ vận tải này, với mục tiêu làm rõ đặc thù kỹ thuật – kinh tế, qua đó phục vụ công tác quản lý và vận hành hiệu quả hơn toàn ngành.

Thông tư này áp dụng cho tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, cùng với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến dịch vụ này.
Theo Thông tư, đối tượng phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định được chia thành hai loại chính: xe ghế ngồi và xe giường nằm. Cả hai loại hình này đều phải sử dụng xe ô tô từ 8 chỗ trở lên, không tính chỗ của người lái.
Các phương tiện này được yêu cầu hoạt động theo một hành trình đã xác định, với điểm xuất phát (bến xe khách nơi đi) và điểm kết thúc (bến xe khách nơi đến) rõ ràng tại các bến xe khách đã được cấp phép.
Chất lượng dịch vụ sẽ được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm kiểu loại xe ô tô, các trang thiết bị phục vụ hành khách được lắp đặt trên xe, cũng như các chính sách ưu đãi mà doanh nghiệp dành cho hành khách.
Về đơn vị tính cước dịch vụ, Thông tư quy định linh hoạt tùy theo phương thức vận tải. Đối với xe ghế ngồi, đơn vị tính có thể là theo ghế cho một hành khách trên mỗi km, hoặc theo chặng, hoặc theo toàn tuyến. Tương tự, với xe giường nằm, đơn vị tính sẽ tương ứng theo giường cho một hành khách trên mỗi km, chặng, hoặc toàn tuyến.
Một điểm quan trọng mà cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư làm rõ là văn bản này không nhằm mục đích yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải điều chỉnh lại giá vé tuyến cố định hiện có.
Thay vào đó, Thông tư đóng vai trò là cơ sở pháp lý, giúp các đơn vị kinh doanh vận tải có công cụ để tính toán, đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình một cách minh bạch, từ đó xây dựng hoặc điều chỉnh mức giá phù hợp với năng lực vận hành thực tế.
Theo đó, nếu mức giá hiện tại đã được đánh giá là hợp lý, mang lại hiệu quả kinh doanh và được đông đảo hành khách chấp nhận, thì doanh nghiệp sẽ không bắt buộc phải thay đổi.
Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu điều chỉnh giá vé, Thông tư sẽ là căn cứ pháp lý rõ ràng, minh bạch giúp họ đưa ra phương án điều chỉnh giá hợp lý và có cơ sở hơn.
Việc quy định rõ ràng đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc tồn đọng trong công tác quản lý hoạt động vận tải hiện nay. Điều này cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông, duy trì trật tự xã hội và tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa các doanh nghiệp.
Thông tư này, được ban hành căn cứ trên Luật Giá ngày 19/6/2023, Luật Đường bộ ngày 27/6/2024, cùng các nghị định liên quan của Chính phủ, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các quy định về quản lý ngành và quản lý giá.
Được biết, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đang xây dựng giá vé vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ căn cứ trên các yếu tố về phương tiện (số ghế/giường, nhiên liệu, khấu hao phương tiện, hao mòn xe, sửa chữa bảo dưỡng xe, lốt bến, bảo hiểm vật chất, bảo hiểm dân sự, giá đăng kiểm xe, phí bảo trì đường bộ,…), lái xe, nhân viên phục vụ, hành trình xe chạy, tổ chức quản trị doanh nghiệp…