Chọn ngành đúng hướng: Đừng để giấc mơ đại học trở thành cơn ác mộng
(CLO) Giữa cơn “lốc xoáy” của hàng trăm ngành học, hàng nghìn lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, làm thế nào để mỗi học sinh không đi nhầm đường, không vỡ mộng giữa chặng đầu tiên của hành trình trưởng thành?
Không ngần ngại khi nói về những cân nhắc đầu đời, em Nguyễn Phương Hoa (Hà Nội) chia sẻ: “Em chọn ngành trước tiên vì đam mê, nhưng không thể bỏ qua khả năng của bản thân và cả xu hướng việc làm sau này. Một lựa chọn tốt phải dung hòa được cả ba yếu tố: yêu thích, đủ lực và hợp thời".
Còn với Vũ Hà Trang, chọn ngành là một hành trình tự soi chiếu chính mình: “Em nghĩ điều quan trọng là biết mình mạnh ở đâu và mình thích gì. Sở thích là động lực, còn năng lực là điều kiện tiên quyết để đi đường dài".

Từng chứng kiến nhiều học sinh “chọn sai một ly, đi lạc cả đại học”, cô Đỗ Trà My, giáo viên Trường THPT Hòa Bình La Trobe thẳng thắn chia sẻ: "Rất nhiều bạn đỗ vào trường top, nhưng sau một học kỳ đã mệt mỏi, hoang mang vì không thấy đam mê với ngành mình học. Vì thế, hướng nghiệp không thể làm qua loa. Cần bắt đầu từ sớm, ít nhất từ lớp 10, thậm chí là từ cấp 2".

Theo TS Trần Khắc Thạc, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy Lợi, câu hỏi “chọn theo đam mê hay năng lực?” là một bài toán cần thực tế: “Tốt nhất là đam mê và thế mạnh gặp nhau. Nhưng nếu phải chọn một, thì nên chọn cái mình làm tốt. Khi có năng lực, bạn mới tạo được thành tựu, và chính thành tựu ấy sẽ nuôi dưỡng lại đam mê".
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) khẳng định: “Chọn ngành không phải trò may rủi. Đó là quá trình có phương pháp.”
Ông đề xuất ba bước vàng chính gồm: Hiểu chính mình nghĩa là dùng công cụ khoa học như MBTI, RIASEC… để khám phá tính cách, thiên hướng nghề nghiệp. Đừng chọn ngành vì bạn bè thích hay vì cha mẹ muốn – hãy chọn ngành vì bạn hiểu rõ bản thân. Hiểu ngành nghề bởi, đừng chỉ nhìn mặt hào nhoáng. Mỗi nghề đều có khó khăn, kỹ năng đặc thù. Hãy nói chuyện với người trong nghề, tham gia tư vấn tuyển sinh, tìm hiểu kỹ càng. Cuối cùng là hiểu xã hội khi AI, robot, tự động hóa đang thay đổi thế giới. Ngành học ổn định hôm nay có thể biến mất sau 10 năm. Hãy nhìn vào xu hướng đến 2045: nông nghiệp công nghệ cao, logistics, tài chính – ngân hàng, sức khỏe tâm thần, du lịch... sẽ lên ngôi.
.jpg)
“Đừng chỉ chọn ngành ‘ổn định’, hãy chọn ngành có khả năng phát triển bền vững. Trong thời đại AI, người chiến thắng không phải là người biết nhiều nhất, mà là người học nhanh nhất, thích nghi nhanh nhất”, PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Chọn ngành là ngã rẽ quan trọng, không thể quyết định qua loa hay chạy theo số đông. Một lựa chọn đúng không chỉ giúp học tốt mà còn giúp sống hạnh phúc, làm việc say mê và phát triển lâu dài. Đừng để giấc mơ đại học trở thành cơn ác mộng. Chọn ngành là chọn chính cuộc đời mình.