Sản phẩm y học cổ truyền Việt Nam phải mang dấu ấn, phát triển tương tự như sản phẩm OCOP
(CLO) Về khoa học công nghệ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, phải có các nghiên cứu khoa học mang dấu ấn, "tôi ủng hộ ý tưởng là có các sản phẩm y học cổ truyền Việt Nam tương tự như sản phẩm OCOP ".
Sáng 4/7, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền (YDCT), kết hợp YDCT với y học hiện đại.

Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y dược cổ truyền còn khiêm tốn
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau 5 năm triển khai Chương trình, mạng lưới YDCT được củng cố và phát triển đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, cả nước có 66 bệnh viện y dược cổ truyền công lập và 10 bệnh viện y học cổ truyền tư nhân, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Tỷ lệ giường bệnh y học cổ truyền đạt 16% trên tổng số giường bệnh chung, tăng 2,7% so với 5 năm trước.
Trong giai đoạn 2020–2025, đã có 30 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về y dược cổ truyền được phê duyệt và triển khai. Đáng chú ý, lĩnh vực phát triển dược liệu đã có bước đột phá: Việt Nam hiện ghi nhận hơn 5.100 loài thực vật, nấm, hàng trăm loài động vật, khoáng vật và tảo biển có công dụng làm thuốc. Đã có 25 tỉnh xây dựng được quy hoạch vùng trồng cây thuốc, các đơn vị và cơ sở thu mua dược liệu trong nước tăng, cơ sở nuôi trồng dược liệu phát triển mạnh mẽ.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan công tác phát triển YDCT trong 5 năm qua vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và đề án quan trọng chưa hoàn thành như kỳ vọng.
"Nhận thức chung về vai trò, vị thế của YDCT còn hạn chế", Bộ trưởng Y tế nói. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y dược cổ truyền – cả về ngân sách, nhân lực và cơ sở vật chất – còn khiêm tốn. Cơ chế chính sách chưa theo kịp với sự phát triển của y học cổ truyền, tính khả thi chưa cao. Đầu tư nguồn lực chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của y học cổ truyền…

Nhân lực YDCT phải có vị trí xứng đáng về mặt nghề nghiệp
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Chương trình phát triển YDCT được triển khai nghiêm túc, với 4 kết quả tích cực. Một là, mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền được đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng. Hai là, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn; tỷ lệ người bệnh được chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bằng y học cổ truyền ngày càng tăng; chất lượng dược liệu, thuốc y học cổ truyền được nâng lên. Ba là, xã hội hoá trong y học cổ truyền ngày càng phát triển; công tác đào tạo cán bộ y học cổ truyền và nghiên cứu khoa học được chú trọng. Giai đoạn 2017 - 2018 có 850 sinh viên tốt nghiệp, trong khi đó, giai đoạn 2022 - 2024 là 1.350 sinh viên. Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế. Hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong Quyết định 1893 chưa đạt được. Phó Thủ tướng lấy ví dụ, số lượng tỉnh, thành phố (tính đến trước ngày 1/7) có bệnh viện YDCT mới đạt 92% (mục tiêu là 95%). Tỉ lệ lượt khám bệnh bằng YDCT, kết hợp YDCT với y học hiện đại trên tổng số lượt khám, chữa bệnh chung chiếm 3,3%, trong khi mục tiêu đề ra là 15%.
"Chúng ta phân tích có nhiều nguyên nhân nhưng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng là nhận thức", Phó Thủ tướng nói. Chưa có sự quan tâm đúng mức tới YDCT. Đầu tư cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách chưa theo kịp yêu cầu.

Thời gian tới, về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng đề nghị, phải có vị trí xứng đáng về mặt nghề nghiệp đối với nhân lực YDCT. Cùng với đó, sớm hoàn thành thủ tục để xây dựng mới cơ sở 2 Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.
Về khoa học công nghệ, Phó Thủ tướng cho rằng, phải có các nghiên cứu khoa học mang dấu ấn của chúng ta, "tôi ủng hộ ý tưởng là có các sản phẩm y học cổ truyền Việt Nam tương tự như sản phẩm OCOP ". Phải có sự chuyển động đồng bộ của cơ quan Bảo hiểm trong việc đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm này.
Về nguồn dược liệu, Phó Thủ tướng cho rằng, nên học tập mô hình của Quảng Nam trước đây (nay là Đà Nẵng), với Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam, với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.
Phó Thủ tướng nhất trí với ý kiến về kết hợp 4 nhà, trong đó, Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế chính sách. Thứ hai là phải có khoa học công nghệ, "có khi sản phẩm mình sản xuất ra rất tốt nhưng không biết vận chuyển, bảo quản, chế biến thì chất lượng lại giảm. Mà chỉ lệch một chút về quy trình, không đúng về mặt khoa học là không bán được". Và không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nêu rõ. Phải có các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này, để hỗ trợ người nông dân, nhà khoa học để tạo ra dược phẩm cụ thể.
Về hợp tác quốc tế, Phó Thủ tướng cho biết sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn về các giải pháp triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong việc xây dựng những chính sách, đề án cụ thể gửi sinh viên đi học ở nước ngoài, trong đó có y dược cổ truyền.
Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, giá trị văn hóa của y học cổ truyền; nâng cao nhận thức của người dân về các phương pháp phòng ngừa và điều trị bằng y học cổ truyền, thuốc cổ truyền...