Đời sống văn hóa

Ca trù - thanh âm di sản trong thời đại mới

Ngân Giang - Hồng Vân 05/07/2025 08:18

(CLO) Ca trù, một trong những di sản văn hóa phi vật thể quý giá của Việt Nam, từng đứng trước nguy cơ bị mai một. Thế nhưng, qua những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ nhân và cộng đồng, loại hình nghệ thuật “có một không hai” này đang dần hồi sinh, trở thành biểu tượng sống của dân tộc giữa dòng chảy hiện đại.

Câu chuyện về một di sản từng bị “lãng quên”

Ca trù, một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, từng là biểu tượng tinh hoa văn hóa dân tộc. Tiến sĩ âm nhạc cổ truyền Vũ Đức Huy nhận định: “Những lời thơ, lời văn trong các bài ca trù không giống bất cứ môn nghệ thuật nào mà nó có những cái riêng, bởi cấu trúc và âm nhạc cũng như là bởi cách phân bố về phách, tiếng đàn và tiếng hát của người đào nương kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn. Ca trù này phải có một khả năng làm thơ nhất định bởi vì cái thơ này nó rất là uyên bác, rất là dân gian nhưng lại mang tính rất là bác học”.

770-202507041640461.jpg
Tiến sĩ Vũ Đức Huy nhận định về thể loại ca trù. (Ảnh: Đình Tùng)

Vào nửa sau thế kỷ 20, đặc biệt trong những năm chiến tranh và biến động xã hội, Ca trù đã phải đối mặt những định kiến xã hội nặng nề và từ đó dần mất đi vị thế của mình. Hình ảnh những ca nương uyển chuyển trong tà áo dài, hòa giọng với tiếng phách và đàn đáy, cũng trở nên mờ nhạt trước sự xuất hiện của các hình thức giải trí hiện đại. Đồng thời, do sự thay đổi của xã hội và thị hiếu văn hóa, việc đào tạo thế hệ kế cận cũng gặp nhiều khó khăn. Số lượng nghệ nhân có khả năng truyền dạy giảm đi đáng kể, trong khi thế hệ trẻ không còn mặn mà với loại hình nghệ thuật mang tính "quý tộc" này.

Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Phương Hồng - người đã gắn bó hơn 30 năm với Ca trù chia sẻ: “Hồn thiêng quốc gia nó mới ra được cái nghệ thuật này. Đâu phải một sớm một chiều, nó hay như thế. Mà để mất, bây giờ mất quá nhiều rồi. Những người mà giỏi nghề để mà dạy trực tiếp bây giờ rất là hiếm. Tôi nghĩ rằng là nếu mà mình không cùng nhau làm thì mình có tội. Có tội với đất nước, có tội với các cụ”.

770-202507041640462.jpg
Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Phương Hồng chia sẻ góc nhìn của bà về ca trù.(Ảnh: Đức Việt)

Sau 15 năm kể từ ngày được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, nghệ thuật Ca trù của Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn để khẳng định sức sống mạnh mẽ của mình. Đến nay, nghệ thuật Ca trù truyền thống này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt cả giới trẻ và số lượng các câu lạc bộ ca trù cũng ngày một nhiều hơn. Sự thành công này được tạo nên nhờ sự cống hiến của những nghệ nhân, nghệ sĩ hát ca trù - những người đã dành cả cuộc đời cho Ca Trù.

NSƯT Lê Thị Bạch Vân: Người tiên phong truyền lửa vào hồn ca trù Việt

NSƯT, Tiến sĩ Lê Thị Bạch Vân sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, sớm bộc lộ năng khiếu ca hát và văn chương. Cơ duyên đến với ca trù bắt đầu khi bà nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ hát trên đài và đọc cuốn Việt Nam Ca Trù Biên Khảo. Từ đó, bà quyết định dành trọn cuộc đời cho loại hình nghệ thuật này, dù con đường không hề dễ dàng. “Không hiểu sao, con đường cứ tự nhiên dẫn tôi đến với ca trù. Đó chính là cái duyên của nghề, và tôi đã không bỏ cuộc”, bà chia sẻ.

770-202507041640463.jpg
NSƯT Lê Thị Bạch Vân chia sẻ về cơ duyên đến với ca trù.(Ảnh: Đình Tùng)

Cảm xúc đó, tình yêu đó với Ca trù, chính là động lực để ca nương Bạch Vân tiếp tục duy trì, dù có khó khăn đến đâu. Bà chia sẻ thêm: “Tình yêu của tôi nó không thể diễn tả nổi. Vì lúc ấy tôi sợ lắm. Tôi không cần tình yêu, không cần mọi thứ. Tôi chỉ mong cho ca trù sống và các cụ trở lại thôi. Bây giờ nhớ lại tôi thấy ngạc nhiên. Sao mình yêu thế nhỉ? Yêu khủng khiếp đấy”.

Nhờ sự kiên trì theo đuổi vận động các nghệ nhân mà năm 1991, câu lạc bộ ca trù Hà Nội đã quy tụ được 20 hội viên từ khắp các tỉnh thành phía Bắc. Nhiều nghệ nhân ca trù đã mai danh ẩn tích như Quách Thị Hồ, Chu Văn Du, Đinh Khắc Ban, Phó Thị Kim Đức,...được sự thuyết phục của NSƯT Bạch Vân đã quay lại hát và truyền nghề.

Nghệ sĩ Bạch Vân không chỉ là người gìn giữ và phát huy giá trị ca trù mà còn truyền cảm hứng cho những thế hệ nghệ sĩ tiếp theo. Nghệ nhân ưu tú Phương Hồng, một trong những người được Bạch Vân “truyền lửa”, chia sẻ: “Nghệ sĩ ưu tú, tiến sĩ Bạch Vân là người có công rất lớn trong việc gìn giữ và phát triển ca trù tại Việt Nam. Lần đầu tiên tôi thấy cô hát ca trù, cô cứ vừa hát vừagõ nhịp, tôi tò mò hỏi. Cô bảo đó là ca trù, và dần dần, tôi nghe nhiều hơn, làm quen với âm điệu của nó và càng lúc càng đam mê."

770-202507041640464.jpg
NSƯT Lê Thị Bạch Vân với bộ phách quen thuộc của mình.(Ảnh: Đình Tùng)

Truyền giữ hồn thiêng dân tộc cho thế hệ trẻ

Trong tâm thức của nghệ sĩ Bạch Vân, ca trù là báu vật, là hồn thiêng văn hóa dân tộc. Khi đã vực dậy được môn nghệ thuật tưởng chừng đã mai một, bà lại miệt mài giảng dạy với niềm mong mỏi thế hệ ngày sau sẽ tiếp nối những tinh hoa ấy.

Chỉ cần có thể thắp lên đam mê cho lớp trẻ, nghệ sĩ Bạch Vân sẵn sàng mở những lớp giảng dạy miễn phí với tất cả sự tận tâm. Suốt nhiều năm qua, nghệ sĩ Bạch Vân đã mở hàng chục lớp học, có lúc lên đến 15 người một khóa. Nhưng hiện tại, vì lí do sức khỏe nên bà phải mở nhiều lớp nhỏ, mỗi lớp chỉ có một học viên. Dù đông hay ít, bà đều dạy bằng tất cả sự nghiêm khắc, tận tâm và tình yêu với nền nghệ thuật này.

Nghệ sĩ Bạch Vân chia sẻ: “Thời của tôi, ca trù đã mất đi nhiều. Thế thì bằng tất cả sự hiểu biết của mình, bằng sự nhiệt tình của mình, mình truyền ngọn lửa ấy sang cho những người đối diện. Tôi chỉ mong là truyền lại cho lớp trẻ. Nếu không có lớp trẻ thì đến sau thế hệ tôi sẽ đứt đoạn luôn.”.

Trong quá trình giảng dạy, bà nhấn mạnh việc học không phải để làm ca sĩ hay trở thành đào nương, mà quan trọng hơn là để hiểu, để phân biệt ca trù với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như hát xẩm hay hát văn. Bà mong rằng mỗi học viên, sau khi học, đều trở thành một “hạt cát” góp phần gìn giữ và lan tỏa bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Không chỉ dừng lại ở nỗ lực cá nhân, hành trình gìn giữ ca trù còn được tiếp nối bởi những tập thể âm thầm và bền bỉ. Câu lạc bộ Ca trù Hà Cầu là một trong những điểm sáng như vậy – đặt trụ sở tại đình Cầu Đơ (Hà Đông, Hà Nội), nơi các nghệ sĩ vẫn miệt mài biểu diễn và truyền dạy nhằm lan tỏa giá trị của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Các nghệ sĩ, những người đứng đầu câu lạc bộ thường xuyên tổ chức biểu diễn nhằm lan tỏa giá trị của ca trù.

Bà Vinh - chủ nhiệm câu lạc bộ chia sẻ: “Việc làm ở câu lạc bộ ca trù từ xưa đến giờ chỉ có tự truyền, nói đúng ra ở nhà tôi là nhiều, từ bác, từ ông bác cho đến chị gái, rồi đến anh trai. Và bây giờ đến tôi và đến cháu tôi… Hồi đấy cũng chỉ có được mấy người thôi, nhưng đến bây giờ cũng đã được gần hai chục người rồi, trong đó rất nhiều bạn trẻ ngoài gia đình cũng tìm đến học.”.

770-202507041640465.jpg
Câu lạc bộ Ca trù Hà Cầu - một trong những câu lạc bộ về ca trù nổi tiếng tại Hà Nội. (Ảnh Đức Việt)

Hoạt động từ năm 2013, câu lạc bộ Ca trù Hà Cầu hướng đến mục tiêu lan tỏa giá trị loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc này đến với toàn thể khán giả. Ông Lâm - nghệ nhân làm đàn đáy, giảng viên dạy đàn đáy và trống chầu bày tỏ niềm tự hào: “Chúng tôi tự hào gìn giữ môn ca trù từ bao đời nay. Trước Cách mạng tháng 8, vùng đất của chúng tôi, được biết đến là "đất hoa đỏ", đã là nơi lưu truyền và bảo tồn loại hình nghệ thuật này… Chúng tôi hy vọng câu lạc bộ sẽ giúp lan tỏa hơn nữa, để ca trù Việt Nam được biết đến rộng rãi và phát triển hơn trong tương lai.”

770-202507041640466.jpg
Ông Lâm - Nghệ nhân làm đàn đáy thể hiện sự tự hào về đóng góp của câu lạc bộ ca trù Hà Cầu. (Ảnh: Đức Việt)

Bước trên con đường gian nan là vậy, nhưng những nghệ sĩ như NSƯT Bạch Vân, nghệ sĩ Phương Hồng, bà Vinh và ông Lâm chưa một lần từ bỏ. Trau chuốt trong từng câu hát, từng nhịp phách, từng lời giảng dạy, những nghệ nhân chân chính như họ đã thắp sáng sức sống cho di sản dân tộc, hồi sinh cả một bộ môn nghệ thuật tưởng có lúc lụi tắt.

Khi giới trẻ yêu lại ca trù

Ngày nay, càng có nhiều bạn trẻ tìm đến với ca trù như một cách để kết nối với cội nguồn văn hóa dân tộc. Từ sự tò mò ban đầu, họ dần bị cuốn hút bởi vẻ đẹp tinh tế trong từng nhịp phách, lời ca, để rồi trở thành những người tiếp nối và lan tỏa giá trị truyền thống theo cách rất riêng của thế hệ mình.

Tại không gian nhỏ nơi nghệ sĩ Bạch Vân ngày ngày truyền lửa đam mê, bạn Châu - sinh viên năm nhất ngành Y, cũng là học viên đang theo học ca trù của nghệ sĩ Bạch Vân.

“Từ hồi còn bé mình đã rất thích nghệ thuật dân gian. Sau đấy mình hứng thú với ca trù kể từ một lần đi xem buổi diễn của bác Bạch Vân năm lớp 7. Bây giờ khi lên đại học rồi, mình có thời gian hơn và cũng cảm thấy nghệ thuật truyền thống nó đang dần bị mai một đi rồi. Mình cũng thấy là bản thân có một chút khả năng, cũng muốn thử xem mình có làm được không, có phần nào đấy kế tục được cái truyền thống này không.” - Châu chia sẻ về cơ duyên đến với ca trù.

770-202507041640467.jpg
Châu chia sẻ về những trải nghiệm thú vị khi tham gia học hát ca trù. (Ảnh: Đình Tùng)

Là một người chưa từng học hát, Châu gặp phải không ít khó khăn khi tiếp cận với ca trù. Tuy vậy, nhờ sự giúp đỡ của nghệ sĩ Bạch Vân, Châu càng trở nên quyết tâm theo học ca trù hơn: “Những cái liên quan đến nhịp phách nó rất mới với mình, nhưng mình hy vọng là qua thời gian tập luyện thì nó sẽ tốt lên. Nếu có cơ hội, có được nghề tay trái là ca trù, nếu đủ khả năng để được tham gia các buổi trình diễn thì mình rất sẵn sàng.”

Trong một chương trình giao lưu gần đây với sự tham gia của NSƯT Lê Thị Bạch Vân, nhiều bạn trẻ đã có dịp tìm hiểu sâu hơn về ca trù. Không chỉ được nghe nghệ sĩ chia sẻ về quá trình phục dựng, giữ gìn và giảng dạy ca trù trong suốt nhiều thập kỷ, các sinh viên còn được trực tiếp thực hành hát, gõ phách và cảm nhận nhịp điệu cổ truyền. Khánh Linh, một sinh viên thể hiện sự thích thú: “Sau khi tham gia talkshow, mình nghĩ ca trù là một loại hình nghệ thuật mà mình sẽ tìm hiểu nhiều hơn trong tương lai, mình đã thấy được sự thú vị và cũng như là bề dày lịch sử của nó nên là mình cũng muốn là sẽ được trải nghiệm nhiều hơn nữa”.

770-202507041640468.jpg
Talkshow “Mỹ Trù Ca” với sự tham gia của NSƯT Lê Thị Bạch Vân tại trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN . (Ảnh: Đức Việt)

Khi được hỏi về sức ảnh hưởng của những sự kiện trên đối với việc lan tỏa và bảo tồn ca trù, nghệ sĩ Bạch Vân khẳng định: “Điều tôi cảm nhận rõ là sự say mê của các bạn trẻ khi tiếp xúc với ca trù. Điều đó chứng tỏ các bạn có hứng thú với âm nhạc dân gian. Những buổi học như thế này rất quan trọng để truyền cảm hứng và duy trì sức sống cho nghệ thuật truyền thống.”

Dù con đường gìn giữ ca trù vẫn còn nhiều chông gai, nhưng với những trái tim trẻ đang dần gắn bó và say mê, nghệ thuật truyền thống này đang được thắp lên những hy vọng mới. Và chính những người trẻ hôm nay sẽ là nhịp cầu để ca trù bước tiếp và phát triển hơn nữa trong tương lai.

Ngân Giang - Hồng Vân