Xã hội

Miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông từ năm học 2025–2026: Quốc hội ban hành Nghị quyết lịch sử, ngân sách đảm bảo hơn 30.000 tỷ đồng

Hồng Phúc 05/07/2025 09:46

(CLO) Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 217/2025/QH15 về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Đây là chính sách lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an sinh xã hội, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 63-KL/TW về phát triển giáo dục toàn diện và thực hiện tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3–4 tuổi.

Miễn học phí toàn bộ học sinh công lập từ mầm non đến THPT

Theo Nghị quyết, trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam, sẽ được:

  • Miễn học phí hoàn toàn nếu học tại cơ sở giáo dục công lập;
  • Hỗ trợ học phí nếu theo học tại các cơ sở dân lập, tư thục.
mh2.jpg
Chính sách miễn học phí từ năm học 2025–2026 giúp giảm gánh nặng tài chính cho hàng triệu gia đình có con nhỏ.

Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, dựa trên khung học phí Chính phủ ban hành nhưng không vượt mức thu thực tế của các trường ngoài công lập.

Chính sách có hiệu lực ngay từ ngày thông qua (26/6/2025) và áp dụng từ năm học 2025–2026.

Ngân sách nhà nước đảm bảo 100% kinh phí thực hiện chính sách

Kinh phí để thực hiện chính sách do ngân sách nhà nước bảo đảm, theo đúng quy định về phân cấp quản lý tài chính – ngân sách. Trong đó:

  • Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được để triển khai chính sách một cách thống nhất, công bằng và hiệu quả trên toàn quốc.
  • Tại Nghị quyết số 196/2025/QH15, Quốc hội cũng đã quyết nghị chuyển nguồn hơn 6.623 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên năm 2024 còn lại sang năm 2025, nhằm bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách miễn học phí và các nhiệm vụ tổ chức bộ máy theo quy định.
mhp2.jpg
Nghị quyết 217/2025/QH15 của Quốc hội mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng, thúc đẩy công bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, năm học 2023–2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh, trong đó có: 21,5 triệu học sinh công lập; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập.

Phân theo cấp học: 4,8 triệu trẻ mầm non; 8,8 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh THCS và 2,99 triệu học sinh THPT.

Dự kiến, tổng kinh phí để triển khai chính sách miễn và hỗ trợ học phí trên toàn quốc từ ngày 1/9/2025 là khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó: khối công lập là 28.700 tỷ đồng và khối dân lập, tư thục với 1.900 tỷ đồng

Để triển khai đầy đủ, ngân sách nhà nước cần tăng thêm khoảng 8.200 tỷ đồng so với mức phân bổ hiện tại.

Chính sách miễn và hỗ trợ học phí lần này được xem là bước tiến dài trong việc thực hiện giáo dục công bằng, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đặc biệt, chính sách sẽ giảm áp lực tài chính cho các gia đình có thu nhập trung bình và thấp, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng thời khuyến khích học sinh tiếp tục theo học đầy đủ đến hết THPT, góp phần nâng cao chất lượng dân trí, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.

mhp.jpg
Việc miễn, hỗ trợ học phí sẽ tạo điều kiện để học sinh trên toàn quốc được đến trường đầy đủ, không bị gián đoạn vì khó khăn kinh tế.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 217/2025/QH15 cùng với sự chuẩn bị ngân sách kịp thời là minh chứng cho sự cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư cho giáo dục – nền tảng phát triển bền vững quốc gia. Đây là chính sách được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến sâu sắc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam từ năm học tới.

Toàn văn Nghị quyết 217/2025/QH15 chi tiết tại:

https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=214401

Hồng Phúc