Xã hội

Gấp rút điều chỉnh chương trình, sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh

Hồng Phúc 05/07/2025 10:51

(CLO) Bắt đầu từ ngày 1/7/2025, sau khi thực hiện chính quyền hai cấp tại các địa phương sáp nhập theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các nhà xuất bản đang khẩn trương rà soát, điều chỉnh chương trình và sách giáo khoa các cấp học nhằm cập nhật những thay đổi về địa giới hành chính.

Theo Bộ GD&ĐT, việc điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh năm học 2024–2025 là năm đầu tiên hoàn tất triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Trên cơ sở rà soát thực tế, một số môn học như Lịch sử và Địa lí lớp 4, 5, 8, 9; Địa lí lớp 12; Lịch sử lớp 10; Giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 10… chịu tác động trực tiếp từ thay đổi địa danh, số liệu, bản đồ, thông tin kinh tế – xã hội.

Ví dụ, SGK Lịch sử – Địa lí lớp 8 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), trang 99, phần mở rộng đưa thông tin về động Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình cũ. Tuy nhiên, sau sáp nhập, tỉnh Quảng Bình không còn tồn tại với tên gọi này, khiến nội dung cần được cập nhật.

nxb.jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Thành viên HĐTV, Phó Tổng biên tập NXBGDVN

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành nội dung chỉnh sửa, cập nhật trong chương trình một số môn học như đã thông báo ngày 14/6/2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiến hành sửa chữa sách giáo khoa, trình Bộ GD&ĐT thẩm định thông qua theo đúng quy trình.

Ông Tùng nhấn mạnh: “Nguyên tắc của việc sửa sách giáo khoa là phải bám sát, cập nhật các nội dung về yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế – xã hội… để hạn chế thấp nhất việc sửa chữa nội dung sách. Những phương pháp, kiến thức, đặc biệt phương pháp dạy học của sách giáo khoa được cải thiện theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất đúng định hướng. Nhà xuất bản đã tổ chức biên soạn để tiệm cận chất lượng sách giáo khoa các nước trên thế giới”.

nxb2.jpg
Các Ban Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam rà soát, thống kê nội dung liên quan đến thay đổi địa giới hành chính và chính quyền hai cấp để báo cáo Bộ GD&ĐT.

Trong thời gian chờ sách được sửa chữa, Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường tiếp tục sử dụng sách giáo khoa hiện hành, đồng thời chủ động điều chỉnh ngữ liệu, nội dung bài học và chủ đề dạy học cho phù hợp với thực tiễn địa phương.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng thông tin thêm: “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ nhà trường và giáo viên sử dụng sách giáo khoa hiện hành theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Hiện sách giáo khoa phục vụ cho năm học 2025–2026 đang được in và nhập kho để cung cấp cho các nhà trường. Dự kiến khoảng tháng 7, sẽ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sách giáo khoa cho học sinh, giáo viên trong năm học mới”.

Hồng Phúc