Chi phí y tế ngày càng đắt đỏ
(CLO) Trong 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,87% do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư của Bộ Y tế. Nhóm dịch vụ này có mức tăng cao nhất.
Trong buổi họp báo công bố thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho biết, chỉ số giá tiêu dùng quý II/2025 tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,35%; hàng hóa và dịch khác tăng 6,57%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,35%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,60%; giáo dục tăng 2,95%.

Bên cạnh đó, đồ uống và thuốc lá tăng 2,08%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,98%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,63%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,19%; bưu chính, viễn thông giảm 0,31%; giao thông giảm 4,83%.
Bình quân sáu tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,16%.
Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,69%, đặc biệt thịt lợn tăng 12,75% do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết.
Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,73%. Trong đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,51% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân vào ngày 11/10/2024 và ngày 10/5/2025.
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,87% do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.
Bà Hương cho biết, lạm phát cơ bản trong 6 tháng qua tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung, nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.