Tiêu điểm Quốc tế

'Đạo luật to đẹp' - Cú hích kinh tế hay rủi ro tài khóa?

Hùng Anh 05/07/2025 20:05

(CLO) Kho bạc Mỹ được dự báo sẽ thu hẹp sau khi "Đạo luật to đẹp" mới do Tổng thống Donald Trump đề xuất chính thức có hiệu lực.

“Đạo luật to đẹp” đã được Quốc hội Mỹ thông qua sau tám giờ tranh luận gay gắt và đã ban hành vào ngày 4/7 (giờ địa phương), bao gồm việc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng và cắt giảm thuế, nhưng không đề ra các nguồn thu bù đắp tương ứng. Hệ quả là trần nợ công có thể phải tăng thêm 5 nghìn tỷ USD. Vậy điều này sẽ có tác động như thế nào đối với nền kinh tế Mỹ?

Chi tiết "Đạo luật to đẹp" của Tổng thống Trump

Ngày 3/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách quy mô lớn do Tổng thống Donald Trump đề xuất, với tỷ lệ sít sao 218 phiếu thuận và 214 phiếu chống, sau tám giờ tranh luận. Ông Trump gọi đây là “món quà sinh nhật vĩ đại” dành cho nước Mỹ, dự kiến ký ban hành vào ngày 4/7.

814-202507051819251.jpg
Dự luật ngân sách gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Izvestia

Đạo luật bao gồm tăng mạnh chi tiêu quốc phòng (350 tỷ USD), xây dựng tường biên giới với Mexico (46,5 tỷ USD) và phát triển hệ thống phòng không “Golden Dome” (25 tỷ USD). Đồng thời, giảm thuế suất doanh nghiệp từ 35% xuống 21% và dành thêm ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, thuế suất thu nhập cá nhân tối đa vẫn giữ ở mức 37%.

Các chuyên gia cảnh báo đạo luật sẽ làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách và khiến kho bạc Mỹ thu hẹp, do không có nguồn thu bù đắp tương xứng. Đảng Cộng hòa đề xuất cắt giảm chi tiêu xã hội, y tế và các khoản ưu đãi cho năng lượng tái tạo để tài trợ cho kế hoạch này.

Tỷ phú Elon Musk chỉ trích dự luật là “vô lý” và “đáng hổ thẹn”, cho rằng nó phá hoại nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và làm tổn hại đến ngành công nghệ cao. Ông đe dọa sẽ thành lập một đảng chính trị thứ ba nếu dự luật được thông qua.

Rủi ro kinh tế từ ngân sách mới

Nhiều ý kiến cho rằng, đạo luật ngân sách mới do Tổng thống Donald Trump đề xuất, mặc dù nhằm kích thích tăng trưởng và thúc đẩy công nghiệp hóa, nhưng cũng đặt ra nhiều rủi ro kinh tế dài hạn cho Mỹ.

Trước hết, nó sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ công. Đạo luật mở rộng mạnh chi tiêu, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, đồng thời cắt giảm thuế mà không đưa ra nguồn thu bù đắp cụ thể. Theo dự báo, thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 3,3 nghìn tỷ USD đến năm 2034; nợ công hiện đã vượt 37 nghìn tỷ USD và có thể tăng thêm 5 nghìn tỷ nếu trần nợ được nâng.

Thứ hai, suy giảm ổn định tài chính vĩ mô. Mất cân đối ngân sách kéo dài làm suy yếu năng lực tài khóa, tăng rủi ro nợ công và hạn chế khả năng ứng phó trước các cú sốc kinh tế trong tương lai.

Thứ ba, gia tăng bất bình đẳng và áp lực lên tiêu dùng nội địa. Việc cắt giảm các chương trình an sinh xã hội ảnh hưởng đến nhóm thu nhập thấp, làm giảm cầu tiêu dùng - một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế Mỹ.

814-202507051819252.jpg
Chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng. Ảnh: Izvestia

Thứ tư, thiếu nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Dự luật ưu tiên mục tiêu ngắn hạn như tái công nghiệp hóa và chi tiêu quân sự, trong khi ít chú trọng đến đầu tư chiến lược vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và đổi mới công nghệ - các yếu tố thiết yếu cho tăng trưởng dài hạn.

Thứ năm, tác động tiêu cực đến ngành công nghệ và năng lượng tái tạo. Việc cắt giảm ưu đãi cho năng lượng sạch và đổi mới sáng tạo làm suy yếu năng lực cạnh tranh của Mỹ trong các ngành công nghệ cao. Elon Musk và nhiều chuyên gia đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng điều này cản trở quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Triển vọng nợ quốc gia Mỹ thời gian tới

Nợ quốc gia của Mỹ đang tiến đến mức báo động trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng dịch vụ hóa và mất dần năng lực sản xuất công nghiệp. Theo chuyên gia Alexey Fenenko, Khoa Chính trị thế giới thuộc Đại học Tổng hợp Moscow, với khoảng 80% GDP đến từ lĩnh vực dịch vụ, việc mở rộng cơ sở thu thuế trở nên khó khăn hơn khi nền kinh tế không còn tạo ra đủ giá trị hàng hóa hữu hình. Ngoài các ngành công nghiệp trọng điểm còn lại như quốc phòng, hàng không và ô tô, phần lớn năng lực sản xuất đã bị suy giảm hoặc chuyển ra nước ngoài.

Trước tình hình đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi chiến lược thương mại cứng rắn nhằm giảm nhập siêu và phục hồi ngành sản xuất nội địa. Biện pháp cụ thể bao gồm áp thuế lên hàng hóa từ các đối tác thương mại chính và kêu gọi doanh nghiệp Mỹ hồi hương đầu tư để mở rộng sản xuất trong nước. Dự kiến các mức thuế mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/7.

Theo chuyên gia tài chính Sergey Potapov từ BCS World of Investments, về dài hạn, chiến lược này có thể mở rộng cơ sở thuế và hỗ trợ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nó không giải quyết được vấn đề cốt lõi: thâm hụt ngân sách và áp lực nợ công ngày càng gia tăng.

Nếu xu hướng hiện tại không thay đổi, nợ quốc gia Mỹ được dự báo sẽ vượt 38 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2025, tương đương hơn 126% GDP. Tình trạng này không chỉ làm tăng chi phí lãi vay, mà còn hạn chế khả năng tài khóa của chính phủ trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh cần phản ứng linh hoạt với các cú sốc kinh tế toàn cầu.

Rõ ràng, mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cố gắng đảo ngược xu hướng phi công nghiệp hóa bằng các biện pháp thương mại và thu hút đầu tư nội địa, nhưng nếu không đi kèm cải cách ngân sách tổng thể và mở rộng bền vững nền tảng sản xuất, rủi ro nợ công vẫn sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với ổn định kinh tế dài hạn của Mỹ.

Hùng Anh