Báo chí - Công nghệ

6 bài học để làm podcast điều tra: Từ chuyện kể, thu âm tới kiếm tiền

Hoài Phương (theo GIJN) 06/07/2025 11:36

(CLO) Podcast điều tra, thể loại kết hợp giữa báo chí chuyên sâu và kể chuyện bằng âm thanh, đang dần chiếm được chỗ đứng riêng trong "đại dương" podcast.

Theo Tổng hợp hàng năm của Mạng lưới Báo chí Điều tra Toàn cầu (GIJN), hình thức này đang chứng kiến những đổi mới mạnh mẽ, từ lồng ghép video cho đến việc ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống chính trị. Với những ai muốn bắt đầu, việc chuyển hóa các điều tra phức tạp thành nội dung âm thanh cuốn hút vẫn là một thách thức lớn.

Tại hội nghị Dataharvest năm nay ở Mechelen (Bỉ), hai nhà sản xuất podcast điều tra kỳ cựu – Piotr Nesterowicz (Pismo Investigation, Ba Lan) và Ricardo Esteves Ribeiro (Fumaça, Bồ Đào Nha) – đã chia sẻ 6 bài học họ đúc rút được từ kinh nghiệm thực tế.

untitled(1).png
Ảnh minh họa: Unsplash

1. Nghĩ theo “serie” thay vì làm từng tập lẻ

Podcast là định dạng lý tưởng cho báo chí điều tra vì không bị giới hạn về độ dài. Khi bắt tay làm podcast đầu tiên vào năm 2019, tạp chí Pismo của Ba Lan đã chọn làm thành loạt serie nhiều tập thay vì một tập độc lập – và đến nay họ chưa từng thay đổi lựa chọn đó.

Ví dụ, mùa thứ 5 ra mắt vào tháng 4/2024 gồm 6 tập (mỗi tập dài khoảng 50–60 phút), kể lại câu chuyện một cô gái bị kẻ theo dõi quấy rối, từ thao túng tinh thần cho đến cuộc chiến đi tìm công lý giữa một hệ thống pháp lý thiếu nhạy cảm.

Việc làm serie giúp Pismo “nổi bật giữa hàng ngàn podcast ngoài kia”, theo lời Nesterowicz – bởi lẽ “quá tốn thời gian và công sức, khó có nhà báo độc lập nào làm được, và các ông lớn thì... không quan tâm”.

Từ nền tảng tạp chí in, Pismo giờ ra ba mùa podcast mỗi năm, với khoảng 330.000 người nghe độc nhất. Điều thú vị là họ tiếp cận được nhóm khán giả ít đọc báo truyền thống.

Trong khi đó, Fumaça (Bồ Đào Nha) đã chọn đi theo podcast ngay từ 2016 – một phần vì hai thành viên sáng lập là nhạc sĩ. Họ khai thác những chủ đề xã hội gai góc như bạo lực cảnh sát, phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng – với quá trình điều tra sâu và phát sóng dài hơi.

2. "Ăn cắp" kỹ thuật kể chuyện của phim ảnh và tiểu thuyết

“Điều tra thì nhà báo nào cũng làm được. Khác biệt nằm ở cách kể chuyện”, Nesterowicz chia sẻ. Ông khuyến khích tận dụng các thủ pháp từ phim ảnh và tiểu thuyết: cao trào, bất ngờ... miễn là câu chuyện trung thực, bạn hoàn toàn có thể “chơi đùa” với cảm xúc khán giả.

Tiêu chí chọn đề tài làm podcast của Pismo cũng rất rõ: câu chuyện phải có “nhân vật chính” – người truyền tải được cảm xúc, hành trình, xung đột. Đôi khi chính nhà báo cũng là nhân vật ấy.

Esteves Ribeiro thì chú trọng vào hành trình điều tra – kể cả những thất bại. Ví dụ: “Chúng tôi đến đây, nhưng không tìm được gì... rồi lại đến đó, và vẫn thất bại”. Việc chia sẻ hành trình thật giúp khán giả tin tưởng và đồng hành đến cuối.

Podcast mới nhất của Fumaça mang tên “Biên giới của nỗi sợ hãi” mở đầu như một podcast tội phạm – với một vụ giết người – nhưng nhanh chóng chuyển thành điều tra về phân biệt chủng tộc trong hoạt động cảnh sát ở Bồ Đào Nha. Dự án này kéo dài 6 năm, gồm 14 tập, mỗi tập hơn một giờ.

3. Ghi âm mọi lúc có thể – kể cả khi không cần

“Cứ bật máy ghi âm mọi lúc”, Esteves Ribeiro nói. Gõ cửa, đi đường, phỏng vấn – cứ ghi. Biết đâu sau này cần dùng. Ông còn khuyên khai thác tin nhắn thoại: với những nhân vật khó phỏng vấn thường xuyên, hãy để họ gửi tin nhắn voice mỗi ngày. Cách này giúp ghi lại diễn biến cảm xúc, hành trình cá nhân – rất quý với podcast.

Thậm chí, khi rời khỏi tòa sau khi tìm tài liệu, hãy thu âm một đoạn recap nhanh gửi đồng nghiệp vì đó cũng có thể là một phần câu chuyện.

4. Kể sâu nhưng phải dễ hiểu

Podcast điều tra có lợi thế kể chuyện nhiều lớp, nhưng đừng sa đà vào số liệu, tên người, chi tiết rối rắm. Người nghe không phải lúc nào cũng theo dõi cả serie – đôi khi cách nhau nhiều ngày mới nghe một tập. “Nếu bạn khiến họ lạc lối ở tập 3 vì quá nhiều tên, họ sẽ bỏ cuộc”, Nesterowicz cảnh báo.

Vì vậy, ông luôn kiểm tra bản thảo podcast với một người chưa biết gì về vụ việc – để đảm bảo câu chuyện vẫn dễ hiểu, hấp dẫn với người mới.

5. Các mô hình kinh doanh khác nhau

Vấn đề muôn thuở: tiền ở đâu ra? Với Pismo, một bộ podcast điều tra (6–8 tập) tốn khoảng 20.000 euro – chưa tính lương nhân viên. Họ có tường phí, được tài trợ tư nhân lớn, và hợp tác với Audioteka Klub – nơi người dùng phải trả tiền để nghe các tập sau.

Ngược lại, Fumaça có ngân sách tháng tới 25.000 euro, nuôi một đội 11 người, và mở toàn bộ nội dung miễn phí. Một nửa tiền đến từ đăng ký của độc giả, nửa còn lại từ ba tổ chức tài trợ.

6. Bắt tay vào làm ngay

Cả hai đều đồng ý rằng chất lượng âm thanh quan trọng nhưng không nên là rào cản khiến bạn chùn bước. Nesterowicz thì hợp tác với đối tác ngoài, còn Fumaça tự xây studio.

Esteves Ribeiro nhớ lại podcast đầu tiên của họ – “Palestine: những câu chuyện về một đất nước bị chiếm đóng” – được ghi bằng điện thoại. “Chúng tôi vẫn thắng giải báo chí quốc gia lớn nhất năm đó”, ông cười. “Giờ thì tôi không làm vậy nữa, nhưng hồi đó, chúng tôi cứ làm. Và nó thành công”.

Hoài Phương (theo GIJN)