Đời sống văn hóa

Cân nhắc khi khai quật khảo cổ di tích Tháp Chăm Dương Long

Thế Vũ 06/07/2025 15:32

(CLO) Bộ VHTT&DL đề nghị tỉnh Gia Lai giảm tối đa diện tích khai quật, tránh gây xáo trộn mặt bằng khi thực hiện khai quật khảo cổ di tích Tháp Chăm Dương Long.

Bộ VHTT&DL vừa có văn bản trả lời UBND tỉnh Gia Lai về thỏa thuận dự án thăm dò, khai quật khảo cổ khi tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Chăm Dương Long.

Theo văn bản số 3200/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký, về cơ bản, Bộ VHTT&DL thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Gia Lai về nội dung thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ xung quanh cụm 3 tháp (tại 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc).

1duonglong1.jpg
Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Chăm Dương Long. Ảnh: VH

Tuy nhiên, Bộ VHTT&DL lưu ý, với giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, di tích Tháp Chăm Dương Long đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, nên việc thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ cần cân nhắc kỹ.

Cụ thể, dựa trên các tư liệu cũ, các kết quả của nhiều lần khai quật khảo cổ trước đây để đề xuất khu vực, diện tích thăm dò, khai quật khảo cổ phù hợp, bảo đảm khả năng phát lộ được thêm các dấu tích kiến trúc, không chồng lấn lên những lần khai quật trước và tránh gây xáo trộn đến tổng thể khu vực tháp.

Dự án cần nghiên cứu tư liệu lịch sử và khảo sát, kết hợp biện pháp thăm dò khảo cổ thực tế di tích để giảm tối đa diện tích khai quật, tránh gây xáo trộn mặt bằng di tích.

Ngoài ra, bổ sung bản vẽ mặt bằng sơ đồ các hố khai quật; nội dung phối hợp nghiên cứu liên ngành, đa ngành trong quá trình thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ; có phương án bảo vệ hố khảo cổ; bao che, bảo vệ hiện trường và di tích, di vật phát hiện được trong quá trình thăm dò, khai quật.

Đồng thời, cụ thể hóa giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị sau khai quật nhằm khắc phục những hạn chế trong hoạt động khai quật khảo cổ đã được các nhà khoa học có nhiều ý kiến phản ánh trong thời gian qua, đặc biệt là khi triển khai dự án khai quật ở quy mô lớn, trong thời gian dài.

Bộ VHTT&DL cũng đề nghị tỉnh Gia Lai bổ sung nội dung công việc và điều kiện thực hiện khai quật khảo cổ, bảo vệ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ khoa học hiện vật thu được sau thăm dò, khai quật nhằm bảo đảm kịp thời bảo quản, bảo vệ và không để hiện vật thu được sau thăm dò, khai quật khảo cổ bị hư hại, thất lạc…

Trước đó, hồi tháng 5/2025, UBND tỉnh Bình Định (nay là tỉnh Gia Lai) đã có văn bản gửi Bộ VHTT&DL đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thăm dò, khai quật khảo cổ thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Chăm Dương Long, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (nay là xã Bình An, tỉnh Gia Lai).

Thế Vũ