Đời sống văn hóa

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: 'Văn hóa sắc đẹp đang bị thương mại hóa và lệch chuẩn nghiêm trọng'

Trung Nguyễn 06/07/2025 16:42

(CLO) Chỉ trong chưa đầy 10 ngày cuối tháng 6/2025, hàng loạt cuộc thi sắc đẹp liên tiếp được tổ chức, tạo nên một "làn sóng công nghiệp hóa sắc đẹp" đáng báo động. Thay vì tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ bằng chiều sâu văn hóa và giá trị nhân văn, không ít cuộc thi đang biến sắc đẹp thành công cụ thương mại, đánh đổi phẩm giá lấy ánh đèn sân khấu và lợi nhuận.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những nguy cơ đáng báo động về sự suy đồi văn hóa sắc đẹp tại Việt Nam hiện nay, đồng thời kêu gọi xây dựng lại các giá trị cốt lõi, đúng đắn và nhân văn trong việc tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Văn hóa sắc đẹp không thể là thứ được 'sản xuất đại trà'

PV: Thưa ông, trong chưa đầy 10 ngày cuối tháng 6/2025, đã có ít nhất 5 cuộc thi sắc đẹp diễn ra tại Việt Nam. Ông nhìn nhận gì về "cơn sốt" thi hoa hậu đang diễn ra dày đặc hiện nay?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đây thực sự là một hiện tượng cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. "Cơn sốt" thi hoa hậu, nếu chỉ dừng lại ở tần suất vừa phải thì có thể là biểu hiện của một đời sống văn hóa phong phú, năng động. Nhưng khi nó trở nên dày đặc đến mức dồn dập, như trong vòng chưa đầy 10 ngày đã có ít nhất 5 cuộc thi sắc đẹp, thì đó không còn là một sự phát triển tự nhiên nữa. Nó giống như một "cuộc đổ xô", một "làn sóng công nghiệp hóa sắc đẹp", nơi mà hình ảnh người phụ nữ lẽ ra phải được tôn vinh bằng chiều sâu văn hóa và giá trị nhân văn lại đang có nguy cơ bị đánh đổi lấy những sân khấu hào nhoáng và con số doanh thu.

Ảnh màn hình 2025-07-06 lúc 13.32.54
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, "cơn sốt" thi hoa hậu, nếu chỉ dừng lại ở tần suất vừa phải thì có thể là biểu hiện của một đời sống văn hóa phong phú, năng động. Nhưng khi nó trở nên dày đặc đến mức dồn dập, như trong vòng chưa đầy 10 ngày đã có ít nhất 5 cuộc thi sắc đẹp, thì đó không còn là một sự phát triển tự nhiên nữa.

Vẻ đẹp là một giá trị cần được nâng niu, chắt lọc, không thể vội vàng hay chạy theo số lượng. Tôi lo rằng đằng sau sự bùng nổ ấy là một cuộc rượt đuổi thị phần giữa các đơn vị tổ chức, là một sự nhập nhằng giữa văn hóa và thương mại, nghệ thuật và giải trí, dẫn đến việc bản chất thực sự của văn hóa sắc đẹp bị mờ nhòe, thậm chí bị lạm dụng. Văn hóa không thể là thứ "sản xuất đại trà", và sắc đẹp với tư cách là một biểu tượng văn hóa lại càng không nên trở thành sản phẩm của một dây chuyền công nghiệp. Đây không chỉ là một câu chuyện của ngành giải trí, mà còn là câu chuyện của văn hóa, của giá trị sống, của nhân cách xã hội hôm nay.

PV: Với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông có nghĩ rằng tần suất tổ chức các cuộc thi sắc đẹp như hiện nay đang vượt quá giới hạn cần thiết của đời sống văn hóa?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, bất kỳ hoạt động văn hóa nào cũng cần có sự cân bằng giữa nhu cầu xã hội và giá trị cốt lõi mà nó mang lại. Khi tần suất tổ chức các cuộc thi sắc đẹp diễn ra quá dày, điều đó không chỉ phản ánh một "cơn khát danh hiệu" trong xã hội, mà còn cho thấy chúng ta đang đứng trước nguy cơ đánh mất sự trang trọng, tôn nghiêm và chiều sâu vốn có của loại hình văn hóa này.

Văn hóa không phải là thứ có thể nhân bản vô hạn, càng không phải là nơi để chạy theo phong trào hay đánh bóng thương hiệu một cách ngắn hạn. Thi sắc đẹp vốn dĩ là cơ hội để tôn vinh vẻ đẹp thể chất đi cùng vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ và bản lĩnh của người phụ nữ. Nhưng khi có quá nhiều cuộc thi, với quá nhiều danh hiệu được trao, thì dường như cái đẹp đang bị "chia nhỏ", bị thương mại hóa và mất đi giá trị biểu tượng.

Ở một góc độ khác, khi mọi thứ diễn ra quá nhanh, quá thường xuyên, thì người xem, công chúng, thậm chí là chính những người tham gia – cũng khó lòng còn cảm nhận được sự thiêng liêng và xúc động mà một danh hiệu sắc đẹp thực sự cần có. Cái đẹp cần thời gian để được cảm nhận, được nâng niu và lan tỏa chứ không phải để tiêu thụ. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta đang vượt qua giới hạn cần thiết, và rất cần một sự điều chỉnh kịp thời, để các cuộc thi sắc đẹp quay về đúng vai trò văn hóa của nó chứ không trượt dài trên con dốc của thương mại và hình thức.

PV: Nhiều người lo ngại rằng các cuộc thi sắc đẹp hiện nay đang ngày càng chạy theo thị trường, lợi nhuận, thậm chí có dấu hiệu "thương mại hóa sắc đẹp". Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi chia sẻ sâu sắc với những lo ngại đó. Khi sắc đẹp bị "định giá", bị trao đi nhận lại như một thứ hàng hóa, thì chúng ta đang đứng trước một sự trượt dài rất nguy hiểm trong nhận thức văn hóa. Vẻ đẹp không thể chỉ được nhìn qua lăng kính của doanh thu hay truyền thông. Một cuộc thi sắc đẹp đích thực phải là nơi kết tinh những giá trị văn hóa, nơi mà cái đẹp hài hòa giữa ngoại hình và nội tâm, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cá nhân và cộng đồng.

Trong thực tế, không thể phủ nhận rằng mọi hoạt động văn hóa – trong đó có thi sắc đẹp đều cần nguồn lực để tồn tại, và yếu tố kinh tế là không thể thiếu. Nhưng khi lợi nhuận trở thành mục tiêu cao nhất, lấn át hoàn toàn mục tiêu văn hóa, thì đó là lúc chúng ta cần lên tiếng. Việc các đơn vị tổ chức tìm cách thu hút tài trợ, quảng cáo, bán vé hay khai thác truyền thông là điều dễ hiểu, nhưng nếu mọi giá trị bị định nghĩa lại chỉ bằng sự nổi tiếng hoặc khả năng sinh lời, thì sắc đẹp không còn là biểu tượng văn hóa nữa mà trở thành "vật phẩm tiêu dùng cao cấp".

Văn hóa sắc đẹp Việt Nam từng rất nền nã, giàu bản sắc. Các hình tượng người phụ nữ Việt trong lịch sử không chỉ đẹp ở vẻ bề ngoài mà còn đẹp trong phẩm hạnh, trí tuệ, sự hy sinh và cốt cách. Chúng ta không thể để những giá trị đó bị xói mòn chỉ vì ánh đèn sân khấu rực rỡ hay những thước hình lung linh trên mạng xã hội. Cái đẹp cần được trả lại đúng vị trí của nó – một biểu tượng nuôi dưỡng tinh thần, chứ không phải một sản phẩm của thị trường hóa vô tội vạ.

PV: Văn hóa sắc đẹp vốn là một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa dân tộc. Ông có thể chia sẻ đâu là những giá trị cốt lõi của văn hóa phái đẹp Việt Nam xưa và nay?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Văn hóa sắc đẹp của người Việt, từ trong chiều sâu lịch sử, luôn gắn liền với những giá trị nhân văn, đạo lý và phẩm chất truyền thống. Người phụ nữ Việt Nam xưa không chỉ được ngợi ca bởi vóc dáng thanh tao, dung nhan dịu dàng, mà còn bởi sự đằm thắm trong lời ăn tiếng nói, sự thủy chung, hiếu hạnh trong gia đình, và tinh thần kiên cường trong bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh người phụ nữ “tay bưng bát nước che nghiêng” hay “gánh gồng nuôi con, tiễn chồng ra trận” chính là biểu tượng đẹp nhất, không cần đến vương miện nào tô điểm thêm.

Cái đẹp trong văn hóa Việt Nam truyền thống không hào nhoáng, không ồn ào. Đó là vẻ đẹp ẩn trong sự khiêm nhường, trong tà áo dài mềm mại, trong mái tóc dài buông nhẹ, trong ánh mắt biết cười mà cũng biết lo toan, thấu hiểu. Vẻ đẹp ấy không đơn độc, mà luôn gắn với bổn phận, với cộng đồng, với tình nghĩa.

Ngày nay, cùng với sự phát triển và hội nhập, chuẩn mực sắc đẹp đã có những thay đổi rõ rệt. Phụ nữ hiện đại mạnh mẽ hơn, cá tính hơn, chủ động hơn trong việc thể hiện bản thân. Họ biết yêu thương chính mình, biết làm đẹp, biết khẳng định giá trị cá nhân trong xã hội. Đó là những chuyển biến tích cực và rất cần được tôn vinh. Tuy nhiên, trong dòng chảy hiện đại ấy, nếu chúng ta không gìn giữ những giá trị cốt lõi của vẻ đẹp tâm hồn – sự nhân hậu, sự bao dung, sự chính trực và nhân cách thì mọi vẻ đẹp bên ngoài đều trở nên mong manh.

Văn hóa sắc đẹp Việt Nam là sự kết tinh giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập. Chúng ta không nên phủ nhận cái mới, nhưng cũng không thể quên cái cội. Để người phụ nữ Việt luôn đẹp không chỉ trong mắt thế giới, mà còn đẹp trong lòng dân tộc thì cần có sự gìn giữ và nâng niu những giá trị ấy như một phần không thể thiếu của hồn cốt Việt Nam.

Cuộc thi sắc đẹp nếu được tổ chức bài bản, văn minh có thể góp phần định hướng lại thẩm mỹ xã hội

PV: Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi trong quan niệm thẩm mỹ và chuẩn mực sắc đẹp của người Việt hiện nay dưới ảnh hưởng của các cuộc thi này? Liệu có sự "lệch chuẩn" nào đang hình thành?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta đang sống trong một thời đại mà cái đẹp được định hình không chỉ bởi truyền thống, mà còn bởi mạng xã hội, truyền thông đại chúng và đặc biệt là các cuộc thi sắc đẹp. Điều này khiến quan niệm về cái đẹp của người Việt có sự thay đổi rất mạnh mẽ đôi khi mang tính cách mạng, nhưng cũng có lúc bấp bênh và dễ bị lệch chuẩn.

Trước đây, cái đẹp được nhìn nhận trong tổng thể hài hòa: dung mạo phải đi cùng tâm hồn, hình thức phải phản ánh nhân cách. Nhưng nay, nhiều người trẻ và đặc biệt là thế hệ sinh ra trong kỷ nguyên số đang chịu tác động mạnh từ các hình mẫu thẩm mỹ phổ biến trên mạng: làn da trắng, thân hình “chuẩn mẫu”, gương mặt V-line, môi tều, mũi cao… Những tiêu chí ấy không sai, nhưng khi nó trở thành “chuẩn mực duy nhất” để đánh giá giá trị của một con người, thì chúng ta đã bước ra khỏi vùng an toàn của văn hóa và bước vào vùng nguy hiểm của sự đồng phục hóa cái đẹp.

Ảnh màn hình 2025-07-06 lúc 13.50.54
Theo PSG.TS Bùi Hoài Sơn, các cuộc thi sắc đẹp, nếu được tổ chức bài bản, văn minh, có thể góp phần định hướng lại thẩm mỹ xã hội một cách tích cực. Ảnh: BTC

Các cuộc thi sắc đẹp, nếu được tổ chức bài bản, văn minh, có thể góp phần định hướng lại thẩm mỹ xã hội một cách tích cực. Nhưng khi quá nhiều cuộc thi được tổ chức với tiêu chí thiên về hình thức, thiếu chiều sâu văn hóa, thiếu các hoạt động lan tỏa tri thức, nhân cách và cộng đồng, thì vô hình trung, chúng tạo nên những áp lực thẩm mỹ không lành mạnh. Nhiều người trẻ vì muốn "đẹp chuẩn" mà lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ, sống ảo, hoặc đánh mất bản sắc cá nhân để chạy theo hình mẫu chung.

Tôi gọi đó là một hiện tượng "lệch chuẩn văn hóa sắc đẹp" khi giá trị bề ngoài được phóng đại đến mức làm lu mờ vẻ đẹp tâm hồn. Đáng lo ngại hơn, một số người coi danh hiệu sắc đẹp như một tấm vé để bước vào showbiz, vào các mối quan hệ có lợi, thay vì coi đó là trách nhiệm lan tỏa giá trị tích cực trong cộng đồng.

Cái đẹp thực sự phải khiến người khác cảm phục, chứ không chỉ trầm trồ. Đó là vẻ đẹp có chiều sâu, có trách nhiệm, có bản sắc. Và hơn bao giờ hết, chúng ta cần những cuộc thi sắc đẹp biết thắp lên ánh sáng ấy chứ không chỉ làm rực rỡ thêm sân khấu ngắn ngủi của sự phô diễn.

PV: Trong bối cảnh hiện tại, ông cho rằng trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa nên như thế nào để vừa khuyến khích hoạt động văn hóa nghệ thuật, vừa ngăn chặn xu hướng lệch chuẩn hoặc biến tướng trong thi sắc đẹp?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa lúc này không chỉ là “quản” mà còn phải “dẫn dắt”, không chỉ là “giám sát” mà còn là “truyền cảm hứng” để tạo nên một môi trường phát triển văn hóa có định hướng, có bản sắc và có chiều sâu. Đối với hoạt động thi sắc đẹp – một lĩnh vực nhạy cảm, dễ thương mại hóa và dễ tác động mạnh đến công chúng thì vai trò của quản lý càng phải quyết liệt nhưng cũng tinh tế.

Thứ nhất, cần siết chặt tiêu chí cấp phép, không để xảy ra tình trạng "loạn thi", nơi danh xưng hoa hậu bị bội thực, mất giá trị. Mỗi cuộc thi được cấp phép phải thực sự là một hoạt động văn hóa có mục tiêu rõ ràng, có nội dung mang tính giáo dục, tôn vinh nhân cách và vẻ đẹp trí tuệ, không chỉ đơn thuần là “trình diễn sắc vóc”.

Thứ hai, bên cạnh việc cấp phép, phải tăng cường công tác hậu kiểm, giám sát nội dung, cách tổ chức, hoạt động truyền thông, và cả trách nhiệm xã hội của những người đoạt giải. Sự nghiêm túc và minh bạch trong quản lý không làm mất đi sự sáng tạo, mà ngược lại, chính là cách để nâng tầm nghệ thuật, củng cố niềm tin xã hội.

Thứ ba, cần thúc đẩy những mô hình thi sắc đẹp mang tính cộng đồng, gắn với các giá trị truyền thống, các hoạt động vì môi trường, giáo dục, bình đẳng giới… để trả lại cho các danh hiệu sắc đẹp một giá trị nhân văn sâu sắc. Người đẹp phải là người có khả năng lan tỏa điều tử tế, truyền cảm hứng về lối sống văn minh chứ không chỉ là biểu tượng thị giác.

Và thêm vào đó, cơ quan quản lý phải là nơi tạo ra đối thoại văn hóa giữa cái mới và cái cũ, giữa hội nhập và bản sắc, giữa cái đẹp hình thức và cái đẹp nội tâm. Chỉ khi quản lý đi cùng định hướng văn hóa thì mới có thể vừa phát triển nghệ thuật, vừa tránh được những biến tướng khiến công chúng hoang mang, giá trị văn hóa suy đồi. Trong một đất nước đang vươn mình mạnh mẽ như Việt Nam hôm nay, chúng ta cần một nền văn hóa sắc đẹp xứng tầm chứ không phải một sân chơi bị méo mó vì thị trường.

Cần một chiến lược bài bản và dài hơi ở cả cấp chính sách, tổ chức xã hội lẫn truyền thông đại chúng

PV: Có ý kiến cho rằng nên siết chặt việc cấp phép các cuộc thi sắc đẹp và tái định nghĩa rõ ràng hơn về giá trị, tiêu chí tổ chức. Ông có đồng tình với đề xuất này không?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi hoàn toàn đồng tình. Đây là một đề xuất cần thiết và kịp thời, xuất phát từ thực tiễn đang có nhiều biểu hiện lệch chuẩn, thương mại hóa và cả sự “bình thường hóa” danh hiệu sắc đẹp trong đời sống văn hóa hiện nay.

Chúng ta đã đi qua một giai đoạn mở rộng, khuyến khích xã hội hóa hoạt động văn hóa, trong đó có các cuộc thi sắc đẹp. Nhưng đã đến lúc phải nhìn nhận rằng, nếu không có một “vành đai đạo đức” và một “khuôn khổ pháp lý” đủ chặt chẽ, thì sự phát triển đó rất dễ rơi vào tình trạng phô trương hình thức, mất kiểm soát, và cuối cùng là đánh mất giá trị văn hóa sâu xa vốn có.

Ảnh màn hình 2025-07-06 lúc 13.52.26
Một cuộc thi sắc đẹp không nên chỉ có phần trình diễn áo dài, áo tắm hay váy dạ hội. Nó cần có những phần thi thực sự thử thách về tư duy, đạo đức, bản lĩnh ứng xử trong các tình huống đời thực. Ảnh: BTC

Siết chặt không có nghĩa là cấm đoán hay triệt tiêu sáng tạo, mà là để tái lập kỷ cương, nâng cao tiêu chuẩn, hướng tới chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Việc tái định nghĩa rõ ràng hơn về giá trị và tiêu chí tổ chức từ điều kiện dự thi, tiêu chuẩn thẩm mỹ, nhân cách thí sinh, đến trách nhiệm sau khi đăng quang sẽ là cơ sở để trả lại tính thiêng liêng và tôn nghiêm cho các danh hiệu sắc đẹp.

Cùng với đó, chúng ta cần xây dựng một hệ tiêu chí mang bản sắc Việt, không đơn thuần sao chép các tiêu chuẩn ngoại lai, nhưng cũng không khép mình trong cái cũ. Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam không chỉ là vẻ đẹp hình thể, mà là vẻ đẹp của tâm hồn, tri thức, ứng xử – những điều cần được khắc họa trong mọi khâu tổ chức cuộc thi.

Khi việc cấp phép đi kèm với việc tái định nghĩa lại các giá trị, chúng ta sẽ không còn phải lo lắng trước sự lạm phát hoa hậu, mà thay vào đó là niềm tin về một nền văn hóa sắc đẹp biết tỏa sáng bằng phẩm hạnh, bằng bản lĩnh, bằng cốt cách những điều trường tồn với thời gian.

PV: Theo ông, làm thế nào để các cuộc thi sắc đẹp thực sự trở thành một hoạt động văn hóa có chiều sâu, góp phần tôn vinh trí tuệ, nhân cách và vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Việt Nam, thay vì chỉ dừng lại ở hình thức hoặc sân khấu hào nhoáng?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Muốn các cuộc thi sắc đẹp thực sự trở thành hoạt động văn hóa có chiều sâu, thì điều đầu tiên chúng ta cần làm là thay đổi tư duy từ coi đó là sự kiện giải trí sang nhìn nhận nó như một hoạt động giáo dục thẩm mỹ, định hình giá trị, lan tỏa nhân văn. Sắc đẹp, nếu được đặt đúng vị trí, sẽ không chỉ dừng lại ở ánh đèn sân khấu, mà có thể trở thành một nguồn lực văn hóa mạnh mẽ, truyền cảm hứng sống đẹp, sống có ích cho cộng đồng.

Chúng ta cần thiết kế lại toàn bộ quy trình cuộc thi theo hướng nhân văn hơn, trí tuệ hơn. Một cuộc thi sắc đẹp không nên chỉ có phần trình diễn áo dài, áo tắm hay váy dạ hội. Nó cần có những phần thi thực sự thử thách về tư duy, đạo đức, bản lĩnh ứng xử trong các tình huống đời thực. Hành trình đến với vương miện phải là hành trình của sự trưởng thành, của nỗ lực không ngừng học hỏi, đóng góp, truyền cảm hứng chứ không thể chỉ là khoảnh khắc “tỏa sáng” trong vài phút trên sân khấu.

Bên cạnh đó, cần gắn kết các cuộc thi với các hoạt động xã hội dài hơi: phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy bình đẳng giới, lan tỏa di sản văn hóa dân tộc. Khi người đẹp đồng hành cùng các giá trị cộng đồng, khi hình ảnh hoa hậu xuất hiện tại các trường học, bệnh viện, vùng sâu vùng xa… thì công chúng sẽ hiểu rằng vương miện không chỉ để đội, mà còn để lan tỏa những điều tử tế.

Ngoài ra, cần có sự vào cuộc của truyền thông một cách có trách nhiệm. Truyền thông nên tập trung khai thác chiều sâu hành trình, lý tưởng sống và đóng góp xã hội của các thí sinh thay vì chỉ chăm chăm vào hình thể hay sự giật gân. Khi công chúng được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện sống động, đầy nghị lực và nhân ái của các người đẹp, thì hình ảnh cuộc thi sẽ trở nên có giá trị thực sự.

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất vẫn là giữ vững bản sắc Việt trong mỗi cuộc thi. Một cuộc thi sắc đẹp Việt Nam phải mang được hồn cốt Việt Nam từ trang phục, ứng xử, tri thức đến lý tưởng sống. Chỉ khi đó, sân khấu mới không còn là nơi phô diễn, mà trở thành nơi thăng hoa của những giá trị đẹp nhất của người phụ nữ Việt – một vẻ đẹp hòa quyện giữa hình dáng và tâm hồn, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cá nhân và dân tộc.

PV: Ông có kiến nghị gì để thúc đẩy các giá trị văn hóa phái đẹp mang bản sắc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghiệp giải trí đang phát triển mạnh mẽ?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vũ bão của công nghiệp giải trí, chúng ta đang đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức lớn. Một mặt, đây là cơ hội để hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được lan tỏa mạnh mẽ ra thế giới không chỉ bằng nhan sắc, mà bằng trí tuệ, nhân cách, bản lĩnh và sự dịu dàng mang đậm hồn cốt Á Đông. Nhưng mặt khác, nếu không có bản lĩnh văn hóa, chúng ta rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy đồng hóa, lai tạp, hoặc chạy theo thị hiếu tức thời mà đánh mất chính mình.

Để thúc đẩy các giá trị văn hóa phái đẹp mang bản sắc Việt, tôi cho rằng cần một chiến lược bài bản và dài hơi ở cả cấp chính sách, tổ chức xã hội lẫn truyền thông đại chúng. Trước hết, cần đưa vấn đề xây dựng hình tượng phụ nữ Việt Nam thời đại mới vào trong các chiến lược phát triển văn hóa, giáo dục và truyền thông. Phụ nữ Việt không chỉ là người giữ lửa trong gia đình, mà còn là những chiến sĩ trên mặt trận trí tuệ, sáng tạo, đổi mới và hội nhập – hình ảnh đó cần được khắc họa rõ nét hơn, sâu sắc hơn.

Ảnh màn hình 2025-07-06 lúc 13.55.20
"Tôi mong rằng mỗi cuộc thi sắc đẹp, mỗi chương trình văn hóa nghệ thuật tôn vinh phụ nữ sẽ không chỉ là sân chơi của cái đẹp, mà là nơi định nghĩa lại giá trị sống, là nơi khơi nguồn cảm hứng về một hình mẫu phụ nữ Việt Nam vừa kiêu hãnh, vừa nhân ái, vừa sâu sắc", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. Ảnh: BTC

Thứ hai, cần khuyến khích phát triển các nền tảng sáng tạo nội dung, nghệ thuật biểu đạt, điện ảnh, truyền hình, sân khấu, thời trang… với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại. Khi cái đẹp được kể bằng ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất Việt, nó sẽ có sức sống lâu dài và dễ đi vào lòng người hơn là những trào lưu nhất thời.

Thứ ba, chúng ta cần đầu tư vào giáo dục thẩm mỹ cho giới trẻ để các em hiểu rằng cái đẹp không chỉ nằm ở vẻ ngoài mà còn là sự tử tế, lòng nhân ái, trí tuệ và bản lĩnh sống. Khi thế hệ trẻ có được cái nhìn đúng đắn, họ sẽ biết trân trọng vẻ đẹp đích thực và không dễ bị cuốn vào ảo vọng hư danh.

Và cuối cùng, tôi mong rằng mỗi cuộc thi sắc đẹp, mỗi chương trình văn hóa nghệ thuật tôn vinh phụ nữ sẽ không chỉ là sân chơi của cái đẹp, mà là nơi định nghĩa lại giá trị sống, là nơi khơi nguồn cảm hứng về một hình mẫu phụ nữ Việt Nam vừa kiêu hãnh, vừa nhân ái, vừa sâu sắc. Một vẻ đẹp khiến người ta muốn sống đẹp hơn chứ không chỉ là ngắm nhìn.

Nếu chúng ta làm được điều đó, thì trong dòng chảy toàn cầu, người phụ nữ Việt sẽ không bị lu mờ, mà sẽ trở thành ánh sáng dịu dàng, mạnh mẽ, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Đó mới là đích đến cao đẹp và bền vững nhất của văn hóa phái đẹp Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ đầy thú vị!

Trung Nguyễn