Hội nghị thượng đỉnh BRICS và những lời kêu gọi cải cách thể chế toàn cầu
(CLO) Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 chính thức diễn ra từ ngày 6 đến 7/7 ở Brazil, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ, xung đột bạo lực và chiến tranh thương mại đang bùng phát.
“Chủ nghĩa đa phương đang bị tấn công”
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Rio de Janeiro, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã so sánh BRICS với Phong trào Không liên kết thời Chiến tranh Lạnh, một nhóm các quốc gia đang phát triển phản đối việc tham gia vào bất kỳ phe nào trong một trật tự toàn cầu phân cực.
"BRICS là người thừa kế của Phong trào Không liên kết", ông Lula nói với các nhà lãnh đạo. "Với chủ nghĩa đa phương đang bị tấn công, quyền tự chủ của chúng ta một lần nữa bị kiểm soát".

Trong bài phát biểu hôm thứ Bảy trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, ông Lula lưu ý rằng các quốc gia BRICS hiện chiếm hơn một nửa dân số thế giới và 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Nhóm BRICS ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi và năm ngoái đã bổ sung thêm Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay, Trung Quốc đã cử Thủ tướng Lý Cường tham gia. Tại phiên họp toàn thể "Hòa bình, An ninh và Cải cách Quản trị Toàn cầu", ông Lý Cường cho biết các nước BRICS nên nỗ lực trở thành tiên phong trong việc thúc đẩy cải cách quản trị toàn cầu, kêu gọi khối bảo vệ hòa bình của thế giới, đồng thời thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Thủ tướng Trung Quốc cho biết hiện nay, những thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn, các quy tắc và trật tự quốc tế đang bị thách thức nghiêm trọng và thẩm quyền cũng như hiệu quả của các thể chế đa phương tiếp tục suy yếu.
Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov dẫn đầu phái đoàn của Nga, trong khi Tổng thống Vladimir Putin sẽ tham dự theo hình thức trực tuyến. Và Tổng thống Putin cho biết BRICS đã vượt trội hơn nhiều hiệp hội khác, bao gồm cả Nhóm G7, về mặt kinh tế.

"Các quốc gia BRICS không chỉ chiếm một phần ba diện tích đất liền và gần một nửa dân số của khu vực này mà còn chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, với tổng GDP theo sức mua tương đương đạt 77 nghìn tỷ đô la Mỹ, theo dữ liệu của IMF năm 2025. Nhân tiện, BRICS vượt trội hơn đáng kể so với một số hiệp hội khác, bao gồm Nhóm G7 với 57 nghìn tỷ đô la Mỹ, xét về chỉ số này", ông phát biểu tại Hội nghị qua liên kết video.
“Phần mềm thế kỷ 21 không thể chạy trên máy đánh chữ”
Hội nghị còn có sự góp mặt của nhiều nguyên thủ quốc gia khác như, bao gồm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Hơn 30 quốc gia hiện đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia BRICS, với tư cách là thành viên chính thức hoặc đối tác.
Thủ tướng Modi tại Hội nghị đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các cải cách toàn diện trong các thể chế toàn cầu, lưu ý rằng Nam Bán cầu thường là nạn nhân của "tiêu chuẩn kép".
"Các nước Nam Bán cầu thường là nạn nhân của tiêu chuẩn kép. Cho dù đó là vấn đề phát triển, phân phối tài nguyên hay an ninh, lợi ích của các nước Nam Bán cầu đều không được ưu tiên. Về các vấn đề như tài chính khí hậu, phát triển bền vững và tiếp cận công nghệ, các nước Nam Bán cầu thường chỉ nhận được những cử chỉ mang tính hình thức", ông tuyên bố.
Chỉ ra sự lãng quên mang tính lịch sử đối với hai phần ba nhân loại trong các thể chế được thành lập vào thế kỷ 20, Thủ tướng Modi lập luận rằng các quốc gia có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa được đại diện đầy đủ tại các bàn ra quyết định, làm suy yếu uy tín và hiệu quả của các cơ quan này.

"Ngày nay, thế giới cần một trật tự thế giới đa cực và toàn diện mới. Điều này sẽ phải bắt đầu bằng những cải cách toàn diện trong các thể chế toàn cầu. Cải cách không chỉ mang tính biểu tượng, mà tác động thực sự của chúng cũng phải rõ ràng. Cần có những thay đổi trong cơ cấu quản trị, quyền bỏ phiếu và vị trí lãnh đạo. Những thách thức của các quốc gia Nam Bán cầu cần được ưu tiên trong quá trình hoạch định chính sách", ông lưu ý.
Thủ tướng Ấn Độ cũng đưa ra sự so sánh: "Trong thời đại AI, khi công nghệ được cập nhật hàng tuần, thì việc một tổ chức toàn cầu không được cập nhật dù chỉ một lần trong 80 năm là điều không thể chấp nhận được. Phần mềm thế kỷ 21 không thể chạy trên máy đánh chữ thế kỷ 20".
Lên án các cuộc tấn công ở Gaza và Iran
Sự mở rộng của BRICS đã tăng thêm sức nặng ngoại giao cho hội nghị lần này, với mong muốn đại diện cho các quốc gia đang phát triển trên khắp Nam Bán cầu, tăng cường lời kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế .
"Nếu quản trị quốc tế không phản ánh thực tế đa cực mới của thế kỷ 21, BRICS phải giúp đưa thực tế đó đi đúng hướng", ông Lula phát biểu trong bài phát biểu nhấn mạnh đến sự thất bại của các cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu ở Trung Đông.
Thúc giục BRICS đi đầu trong cải cách, ông Lula đã suy ngẫm về Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại cùng địa điểm vào tháng 11 năm ngoái: "Trong một thời gian ngắn, bối cảnh quốc tế đã xấu đi đến mức một số sáng kiến mà chúng tôi đã phê duyệt khi đó giờ đây không còn khả thi nữa".
Trong tuyên bố chung được đưa ra vào chiều Chủ nhật, các nhà lãnh đạo tập trung gọi các cuộc tấn công nhằm vào "cơ sở hạ tầng dân sự và các cơ sở hạt nhân hòa bình" của Iran là "vi phạm luật pháp quốc tế". BRICS cũng bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" đối với người dân Palestine về các cuộc tấn công của Israel vào Gaza.
Về thương mại, tuyên bố chung cảnh báo việc tăng thuế quan sẽ đe dọa đến thương mại toàn cầu. BRICS lên tiếng ủng hộ Ethiopia và Iran gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ủng hộ kế hoạch thí điểm sáng kiến Bảo lãnh đa phương BRICS trong Ngân hàng Phát triển Mới của nhóm nhằm giảm chi phí tài chính và thúc đẩy đầu tư vào các quốc gia thành viên.
Trong một tuyên bố riêng sau cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi bảo vệ chống lại việc sử dụng AI trái phép để tránh thu thập dữ liệu quá mức và cho phép có cơ chế thanh toán công bằng.