Kinh tế

Bộ Tài chính lấy ý kiến cho Nghị định hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước mới

Việt Vũ 07/07/2025 10:43

(CLO) Ngày 7/7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị thảo luận, xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.

Luật Ngân sách nhà nước (Luật NSNN) đã được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2025, là một dự án luật quan trọng, có phạm vi rất rộng, tác động tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực và các địa phương, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “vươn mình” của dân tộc.

Tại Luật này, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết 04 nội dung, giao Chính phủ quy định chi tiết 26 nội dung.

z6778972928274_1d2081ef57c5740bc4e31ade8e5798a2.jpg
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính tại Hội nghị. (Ảnh: MOF)

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xác định chủ trì xây dựng 03 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 06 Nghị định của chính phủ.

Dự thảo Nghị định xin ý kiến tại Hội nghị này là một nghị định với phạm vi quy định chi tiết 20/26 nội dung Quốc hội đã giao Chính phủ, thay thế Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN năm 2015.

Dự thảo Nghị định tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, quy định chi tiết công tác xây dựng dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai NSNN.

Đồng thời, dự thảo quy định việc sử dụng vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ địa phương khác, tổng hợp hướng dẫn xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm.

Với ý nghĩa rất quan trọng của việc xây dựng Nghị định, Hội nghị tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn các nội dung cần thiết phải quy định cụ thể tại Nghị định, đề xuất và kiến nghị cụ thể từng nội dung quy định tại các điều, khoản của Nghị định để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo các quy định là phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý NSNN trong tình hình mới; tập trung vào những vấn đề sau:

Các quy định chung: Điều kiện và cách thức xác định bội chi ngân sách; quy định quản lý, hạch toán vay, trả nợ; cách thức quản lý và hỗ trợ từ NSNN cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện; hỗ trợ từ NSNN cho các tổ chức xã hội; quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh về quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSĐP.

Công tác lập dự toán NSNN: Trách nhiệm của các cơ quan, trình tự, các mốc thời gian lập, xây dựng, tổng hợp, quyết định và giao dự toán NSNN.

Công tác chấp hành NSNN: các quy định liên quan đến phân bổ và giao dự toán; tổ chức thu, chi ngân sách; nguyên tắc, tiêu chí và điều kiện ứng trước dự toán; quy trình, trình tự, thủ tục điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi, quyết định sử dụng tăng thu so với dự toán, dự toán chi còn lại của cấp ngân sách, thưởng vượt thu, bù hụt thu.

Công tác quyết toán NSNN: công tác khóa sổ; xử lý chuyển nguồn; trình tự quyết toán của các đơn vị sử dụng ngân sách, các cấp ngân sách; xử lý kết dư ngân sách.

Công khai ngân sách, giám sát của cộng đồng về ngân sách: Trách nhiệm và nội dung, thời điểm công khai của các cơ quan; hình thức, cách thức tổ chức giám sát ngân sách của cộng đồng.

Lập kế hoạch tài chính 05 năm: Căn cứ, yêu cầu lập; nội dung, trình tự lập; trách nhiệm của các cơ quan,…

Việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN vừa cụ thể các nội dung Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, vừa kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đáp ứng các vấn đề thực tiễn và bối cảnh phát triển mới, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương trong lập dự toán, điều hành, quản lý, quyết toán và công khai NSNN; giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.

Việt Vũ