'Đạo luật to đẹp' có thể khiến Mỹ tụt lại trong cuộc đua năng lượng sạch
(CLO) Khi thế giới bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, nơi các trung tâm dữ liệu tiêu tốn lượng điện khổng lồ, thì "Đạo luật to đẹp" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ban hành lại chọn cách rút lui khỏi năng lượng sạch.
Đạo luật này không chỉ cắt giảm nhanh chóng các khoản tín dụng thuế dành cho điện mặt trời, gió và xe điện, mà còn bổ sung những quy định rắc rối khiến các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được các ưu đãi còn sót lại, đặc biệt với pin lưu trữ, công nghệ then chốt trong hạ tầng năng lượng sạch.
Theo ước tính từ Energy Innovation, giá điện tại Mỹ có thể tăng tới 50% vào năm 2035, trong khi người dân phải trả thêm 16 tỷ USD tiền điện mỗi năm từ năm 2030. Đạo luật cũng cấm trong 10 năm phí dành cho khí methane, trong nỗ lực nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính trước đó.

Điều đáng chú ý là Elon Musk, người từng được coi là biểu tượng của đổi mới công nghiệp Mỹ, cũng từng lên tiếng chỉ trích gay gắt, gọi đây là “điên rồ và hủy diệt”.
Dù hình ảnh của ông bị tổn hại trong mắt công chúng vì liên hệ với Tổng thống Trump, nhưng ông vẫn không ngần ngại cảnh báo rằng đạo luật sẽ “tặng quà cho những ngành công nghiệp của quá khứ trong khi bóp nghẹt những ngành công nghiệp của tương lai”.
Tổng thống Trump cho biết Musk không hài lòng là vì đạo luật mà ông đã ký vào thứ Sáu vừa rồi đã tước đi các khoản tín dụng năng lượng xanh cho xe điện của Tesla.
Tổng thống Mỹ còn đã đe dọa sẽ cắt hàng tỷ đô la mà Tesla và SpaceX nhận được trong các hợp đồng và trợ cấp chính phủ để đáp lại lời chỉ trích của tỷ phú Musk.
Từ một cường quốc năng lượng đầy tham vọng, nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Như nhận định của chuyên gia Nick Nigro từ Atlas Public Policy: “10 năm tới nhìn lại, chúng ta có thể thấy đây là thời điểm nước Mỹ rút lui và đánh mất cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch”.
Trái ngược với Mỹ, cường quốc đối trọng Trung Quốc đang trên đà tăng tốc. Năm 2000, Trung Quốc chỉ sản xuất hơn 1.300 terawatt-giờ điện, so với gần 3.800 của Mỹ. Nhưng đến nay, Trung Quốc đã vượt mốc 10.000 terawatt-giờ, trong khi Mỹ chỉ tăng thêm 500 trong suốt hơn hai thập kỷ.
Từng phụ thuộc vào than đá, Trung Quốc hiện đã tập trung vào các nguồn năng lượng sạch như thủy điện, gió, mặt trời và pin lưu trữ, vừa nhanh, vừa rẻ, lại giúp nước này tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành "nhà nước điện hóa" đầu tiên trên thế giới.