Thế giới 24h

Tranh cãi việc Ukraine rút khỏi hiệp ước cấm mìn chống bộ binh

Ngọc Ánh (theo Reuters, Kyiv Post) 07/07/2025 17:19

(CLO) Ukraine đã tuyên bố rút khỏi Công ước Ottawa – hiệp ước cấm sử dụng mìn sát thương cá nhân – trong bối cảnh nước này đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn dược, khó tuyển quân và phải tìm mọi cách để cản bước tiến của Nga trên chiến trường.

Tuyên bố được đưa ra vào ngày 29/6, gây tranh cãi gay gắt nhưng cũng lại nhận được một số ý kiến ủng hộ. Một trong những lý do là việc Nga cũng chưa ký Công ước Ottawa .

Ukraine từng cam kết không sử dụng mìn này ở khu vực có dân cư, nhưng hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã cho phép chuyển loại vũ khí này cho Kiev với điều kiện chỉ được dùng trên lãnh thổ Ukraine.

Hiện tại, Bộ Quốc phòng Ukraine chưa xác nhận liệu họ đã triển khai các mìn này hay chưa. Các chuyên gia quân sự và sĩ quan chỉ huy tại chiến trường cho biết mìn sát thương cá nhân có thể rất hữu hiệu trong việc làm chậm bước tiến của các nhóm tấn công nhỏ từ Nga – một chiến thuật mới mà Moscow đang sử dụng.

“Khi chúng tôi không có nhiều binh lính ở tiền tuyến, việc rải mìn giúp gia tăng khả năng phòng thủ”, ông Mykola Bielieskov, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, giải thích.

Một chỉ huy công binh ở mặt trận gần Pokrovsk cho biết Ukraine có thể dùng máy bay không người lái để rải tới 70 quả mìn cùng lúc ở các khu vực xa xôi, khiến đối phương bị tổn thất nặng trước khi tiếp cận được chiến tuyến.

untitled(1).png
Một người lính đang thòng lọng vào một quả mìn trước khi gỡ bỏ nó. Ảnh minh họa: Quân đội Mỹ

Tuy vậy, một số tổ chức quốc tế chỉ trích quyết định này gay gắt. Tamar Gabelnick – Giám đốc Chiến dịch Quốc tế Cấm Mìn – cảnh báo rằng mìn sát thương cá nhân có thể tiếp tục gây thương vong cho dân thường, đặc biệt là trẻ em, trong nhiều năm sau khi chiến sự kết thúc. Bà cho biết khoảng 85% nạn nhân bom mìn trên toàn cầu là dân thường.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy khẳng định chức năng của mìn sát thương cá nhân là không thể thay thế trong nhiều trường hợp và chúng là một phần cần thiết trong hệ thống phòng thủ quốc gia. Dù quyết định rút khỏi Công ước Ottawa cần sự phê chuẩn của quốc hội, các quan chức cho biết khả năng được thông qua là rất cao.

Ukraine hiện vẫn còn nhiều mìn sát thương cá nhân từ thời Liên Xô dù đã tiêu hủy một phần sau khi ký công ước vào năm 2005. Theo nghị sĩ Fedir Venislavskiy, lực lượng vũ trang sẽ sử dụng mìn một cách có trách nhiệm và lập bản đồ vị trí để có thể rà phá nhanh sau khi xung đột kết thúc.

Khoảng 1/4 lãnh thổ Ukraine hiện bị ô nhiễm bởi bom mìn và vật liệu chưa nổ, theo ước tính của quân đội nước này. Một số khu vực ở tỉnh Kursk của Nga, nơi từng có giao tranh, cũng bị ô nhiễm nặng.

Ngọc Ánh (theo Reuters, Kyiv Post)