Giải trí

Á hậu Hoa hậu Biển Việt Nam 2025 gây tranh cãi vì ví phụ nữ như bạch tuộc

Trung Nguyễn 07/07/2025 18:47

(CLO) Phần thi ứng xử của Á hậu 1 Nguyễn Linh Chi tại chung kết Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2025 đang trở thành tâm điểm tranh luận trên mạng xã hội thời gian gần đây. Hình ảnh “bạch tuộc” được cô lựa chọn để đại diện cho phụ nữ hiện đại đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ khán giả.

Tại đêm chung kết diễn ra mới đây, top 5 thí sinh cùng nhận một câu hỏi ứng xử: “Nếu trở thành sinh vật biển, bạn chọn trở thành sinh vật gì, tại sao?” Linh Chi – đại diện đến từ Thanh Hóa đã lựa chọn loài bạch tuộc và đưa ra phần lý giải như sau:

“Nếu bắt buộc chọn lựa một loài sinh vật, tôi xin phép chọn loài bạch tuộc. Bạch tuộc không chỉ nổi bật với những giá trị riêng, sự ngụy trang kỳ diệu, mang giá trị đặc biệt, giữ cân bằng hệ sinh thái biển. Với tôi, bạch tuộc là biểu tượng của người phụ nữ hiện đại, thông minh, linh hoạt và biết thích nghi trong kỷ nguyên mà xã hội đang vươn mình mạnh mẽ. Chúng ta không chỉ cần một người phụ nữ có ngoại hình nổi bật mà còn cần vẻ đẹp từ sâu bên trong, nhân cách thật tốt và mang ý nghĩa cho cộng đồng".

Ảnh màn hình 2025-07-07 lúc 17.50.49
Á hậu Nguyễn Linh Chi ví hình ảnh phụ nữ với bạch tuộc. Ảnh: BTC/Nhà sản xuất phim Nàng tiên cá

Ngay sau đêm thi, phần trả lời của Linh Chi đã gây tranh cãi và nhận về nhiều bình luận trái chiều trên mạng xã hội. Một bộ phận khán giả cho rằng cách ví von phụ nữ như bạch tuộc là khiên cưỡng, thậm chí phản cảm. Họ cho rằng hình ảnh bạch tuộc với ngoại hình nhiều xúc tu và thường xuất hiện với vai trò phản diện trong phim ảnh không phù hợp để đại diện cho vẻ đẹp và phẩm chất của phụ nữ.

Nhiều bình luận thẳng thắn đặt câu hỏi: “Tại sao lại ví phụ nữ hiện đại với một sinh vật như bạch tuộc?”, “Bạch tuộc đẹp thật sao?”, “Không lẽ phụ nữ thông minh là phải có nhiều… vòi để làm nhiều việc một lúc?”.

Trước làn sóng dư luận, Linh Chi sau đó lên tiếng giải thích rằng cô muốn nhấn mạnh đến khả năng “đa nhiệm” và thích nghi linh hoạt của phụ nữ hiện đại thông qua hình ảnh bạch tuộc. Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận bản thân chưa thể hiện tốt do áp lực tâm lý và thiếu bản lĩnh sân khấu, dẫn đến phần trả lời ấp úng, thiếu trọn vẹn.

Dù vậy, nhiều khán giả vẫn cho rằng việc Linh Chi đạt danh hiệu Á hậu 1 là chưa thuyết phục. Phần thi ứng xử bị đánh giá là kém rõ ràng, ngôn ngữ vụng về và lựa chọn hình ảnh chưa phù hợp. So với các thí sinh còn lại trong top 5, Linh Chi bị xem là người có phần trả lời gây tranh cãi nhất.

Trong khi đó, tân Hoa hậu Nguyễn Hoài Phương Anh lại nhận được nhiều lời khen với hình tượng rùa biển – biểu tượng của sự kiên định, bền bỉ và sống giản dị giữa đại dương. Á hậu 2 Phan Thu Hiền chọn rặng san hô, nhấn mạnh giá trị bền vững và cống hiến thầm lặng cho hệ sinh thái biển. Hai thí sinh còn lại là Đinh Thị Khánh Linh và Nguyễn Trần Minh Tâm chọn cá heo và gây cười với những lý do khá ngây ngô, chẳng hạn như “cá heo thân thiện và hay giúp người”.

Ảnh màn hình 2025-07-07 lúc 17.51.22
Top 5 Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2025. Ảnh: BTC

Theo nhiều chuyên gia, phần thi ứng xử trong các cuộc thi sắc đẹp không chỉ là nơi kiểm tra trí tuệ mà còn phản ánh khả năng trình bày, tư duy logic và cách thí sinh xử lý áp lực trên sân khấu. Tiến sĩ Stephanie Raye nhận định: “Ban giám khảo thường không đánh giá câu trả lời đúng hay sai tuyệt đối, mà quan tâm đến cách thí sinh thể hiện bản thân, xây dựng lập luận và truyền tải thông điệp trong thời gian ngắn".

Tuy nhiên, như tờ Bustle từng chỉ ra, nhiều câu hỏi ứng xử trong các cuộc thi sắc đẹp thường rơi vào trạng thái “quá khó hoặc thiếu thiết thực”, khiến thí sinh dễ lúng túng. Câu hỏi tưởng như đơn giản: “Bạn chọn trở thành sinh vật biển nào?” thực chất đòi hỏi sự sáng tạo, khả năng liên tưởng và trình bày vượt trội điều không phải ai cũng có thể đáp ứng trong vòng vài chục giây đứng trước hàng triệu khán giả.

Dẫu vậy, vụ việc cũng cho thấy sức nóng và sức nặng của một phần thi vốn chỉ kéo dài vài phút nhưng có thể quyết định thứ hạng và gây tranh cãi trong nhiều ngày sau đó.

Trung Nguyễn