Giải trí

Tranh cãi về trình độ học vấn của thần tượng Kpop: Từ Asa (BabyMonster) đến Blackpink

Trung Nguyễn 08/07/2025 06:51

(CLO) Mới đây, Asa – thành viên nhóm nhạc nữ BabyMonster đã khiến công chúng sửng sốt khi tuyên bố mình “mới chỉ tốt nghiệp mẫu giáo”. Phát ngôn gây sốc này được đưa ra trong chương trình truyền hình “Running Man” lập tức làm bùng nổ tranh luận về trình độ học vấn trong giới thần tượng Kpop.

Asa sinh năm 2006 tại Nhật Bản, gia nhập YG Entertainment từ năm 2018 sau khi vượt qua buổi thử giọng của công ty tại Nhật. Cô bắt đầu làm thực tập sinh từ khi còn là học sinh tiểu học và chính thức ra mắt ở tuổi 17 cùng BabyMonster vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, việc Asa không đề cập đến bất kỳ chương trình học thay thế nào, cũng như không làm rõ về việc theo học tiếp phổ thông, đã dấy lên làn sóng chỉ trích YG vì không bảo đảm nền tảng giáo dục tối thiểu cho nghệ sĩ.

Trên mạng xã hội Weibo, từ khóa “trình độ học vấn thấp nhất Kpop” liên quan đến Asa nhanh chóng lọt top xu hướng. Từ đó, công chúng bắt đầu lật lại những tranh cãi xưa cũ về trình độ học vấn của các thần tượng đến từ YG, đặc biệt là nhóm Blackpink.

Ảnh màn hình 2025-07-08 lúc 05.59.22
Nhóm nhạc nữ Kpop Blackpink. Ảnh: YG

Cả bốn thành viên của Blackpink gồm: Jennie, Rosé, Lisa và Jisoo đều không hoàn tất chương trình trung học phổ thông trước khi debut. Jennie theo học tiểu học tại Seoul trước khi chuyển đến New Zealand năm 9 tuổi, và dừng việc học sau khi trở về Hàn Quốc làm thực tập sinh ở tuổi 14. Rosé cũng có hành trình tương tự: sinh ra tại New Zealand, lớn lên ở Úc, và thôi học cấp ba sau khi trúng tuyển vào YG năm 15 tuổi.

Lisa, thành viên người Thái chuyển đến Hàn Quốc làm thực tập sinh năm 14 tuổi, đồng nghĩa với việc cô không thể hoàn thành chương trình học tại Thái Lan. Trong khi đó, Jisoo là người duy nhất từng theo học trung học phổ thông, nhưng cũng bỏ học giữa chừng để tập trung vào con đường nghệ thuật.

Việc cả nhóm Blackpink đều không tiếp tục học lên cấp ba từng gây tranh cãi dữ dội khi nhóm trở nên nổi tiếng toàn cầu. Dù thành công về mặt nghệ thuật và thương mại, Blackpink vẫn bị một bộ phận công chúng chỉ trích vì thiếu nền tảng giáo dục, điều được xem là quan trọng ở một xã hội coi trọng học vấn như Hàn Quốc.

Trong khi YG vấp phải làn sóng chỉ trích vì thiếu chính sách giáo dục rõ ràng cho thực tập sinh, các công ty như SM Entertainment, JYP Entertainment và HYBE lại được khen ngợi vì khuyến khích nghệ sĩ tiếp tục con đường học vấn.

Nhiều thần tượng thuộc các công ty này không chỉ tốt nghiệp phổ thông mà còn theo học đại học, thậm chí sau đại học. Thành viên của Super Junior, EXO (SM) hay BTS (HYBE) đều từng gây ấn tượng khi sở hữu bằng cử nhân, thạc sĩ và có lộ trình học tập nghiêm túc song song với hoạt động nghệ thuật.

Tại Hàn Quốc, để tạo điều kiện cho nghệ sĩ trẻ vừa học vừa làm, nhiều trường trung học nghệ thuật như SOPA, Hanlim đã mở rộng chương trình đào tạo kết hợp học văn hóa và nghệ thuật. Đây là giải pháp giúp nhiều idol vẫn đảm bảo được bằng cấp cơ bản trong khi theo đuổi nghề nghiệp.

Ảnh màn hình 2025-07-08 lúc 05.59.51
Asa (Baby Monster) gây tranh cãi vì mới tốt nghiệp mẫu giáo. Ảnh: YG

Sự trẻ hóa thần tượng đang trở thành xu hướng trong Kpop thế hệ thứ 4, với nhiều nhóm nhạc có thành viên debut ở độ tuổi 13–14. Khi các nghệ sĩ bước vào guồng quay khắc nghiệt của ngành giải trí quá sớm, khả năng hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông dần trở thành điều xa xỉ.

Vụ việc của Asa đặt ra câu hỏi lớn: Liệu các công ty giải trí có đang đánh đổi quá nhiều để chạy theo xu hướng thần tượng trẻ tuổi? Và đâu là trách nhiệm của họ trong việc bảo đảm quyền được học tập cơ bản cho nghệ sĩ, nhất là khi sự nghiệp Kpop không phải lúc nào cũng bền vững?

Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng tranh cãi lần này là lời nhắc nhở cho toàn ngành công nghiệp thần tượng về tầm quan trọng của giáo dục không chỉ cho hình ảnh của nghệ sĩ, mà còn vì tương lai lâu dài của họ.

Trung Nguyễn