Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về Taliban bất chấp phản đối của Mỹ
(CLO) Đại Hội đồng Liên hợp quốc hôm thứ Hai đã thông qua một nghị quyết bất chấp sự phản đối của Mỹ, kêu gọi chính quyền Taliban tại Afghanistan đảo ngược các chính sách đàn áp đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Nghị quyết nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc tạo ra các cơ hội để phục hồi kinh tế, phát triển và thịnh vượng tại Afghanistan”, và kêu gọi các nhà tài trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế nghiêm trọng của đất nước này.
Dù không có tính ràng buộc pháp lý, nghị quyết được xem như sự phản ánh quan điểm chung của cộng đồng quốc tế. Kết quả bỏ phiếu là 116 phiếu thuận, 2 phiếu chống từ Mỹ, Israel và 12 phiếu trắng, bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Iran.

Kể từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2021, Taliban đã áp đặt các biện pháp hà khắc cấm phụ nữ đến những nơi công cộng và cấm trẻ em gái học sau lớp 6.
Đại sứ Đức tại Liên hợp quốc, bà Antje Leendertse, đại diện cho quốc gia bảo trợ nghị quyết, phát biểu rằng Đức và nhiều nước khác “vô cùng lo ngại” về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Afghanistan, đặc biệt là việc Taliban gần như “xóa sổ hoàn toàn” quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Theo bà, nghị quyết gửi thông điệp đến những người mẹ Afghanistan đang ôm những đứa con bệnh tật, suy dinh dưỡng, hoặc đang than khóc vì các nạn nhân của cuộc chiến, cũng như hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái bị giam lỏng trong nhà, rằng họ không bị thế giới lãng quên.
Tuy nhiên, cố vấn cấp cao của Mỹ, Jonathan Shrier, chỉ trích nghị quyết này vì cho rằng nó thưởng cho Taliban “thêm các hình thức tiếp cận và nguồn lực”.
Nghị quyết cũng bày tỏ sự cảm kích đối với các chính phủ đang tiếp nhận người tị nạn Afghanistan, đặc biệt là Iran và Pakistan. Tuy nhiên, ông Shrier phản đối việc đề cập đến Iran trong bối cảnh tích cực, cáo buộc nước này đã xử tử người Afghanistan “ở mức độ đáng báo động mà không qua xét xử đúng quy trình”, và ép họ gia nhập các lực lượng dân quân.
Dù ghi nhận tình hình an ninh tổng thể tại Afghanistan đã được cải thiện, nghị quyết vẫn nhấn mạnh mối lo ngại về các cuộc tấn công của các nhóm như al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các chi nhánh. Qua đó, kêu gọi chính quyền Afghanistan “thực hiện các biện pháp tích cực để chống lại, tháo dỡ và xóa bỏ mọi tổ chức khủng bố một cách công bằng và không phân biệt”.
Để tăng cường hiệu quả của các nỗ lực quốc tế, Đại Hội đồng Liên hợp quốc cũng khuyến nghị Tổng Thư ký Antonio Guterres bổ nhiệm một điều phối viên chuyên trách nhằm thúc đẩy “cách tiếp cận có tính mạch lạc, phối hợp và có cấu trúc hơn” trong các hoạt động liên quan đến Afghanistan.