Xã hội

Sau sáp nhập, 11 tỉnh thành có từ 3 trường THPT chuyên trở lên

Hồng Phúc 08/07/2025 13:48

(CLO) Từ ngày 1/7, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổng cộng 73 trường THPT chuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Dù số lượng tỉnh thành giảm do sáp nhập, nhưng số trường chuyên vẫn được giữ nguyên, dẫn đến nhiều địa phương hiện có từ 2 trường chuyên trở lên, trong đó, 11 tỉnh, thành phố có tới 3 hoặc 4 trường chuyên.

1(3).jpg
2(1).jpg
3(3).jpg
Danh sách các trường THPT Chuyên tại 34 tỉnh thành sau sáp nhập.

Trước khi sáp nhập, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng trường THPT chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT, với 4 trường: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT chuyên Chu Văn An và THPT chuyên Sơn Tây (không tính các trường chuyên trực thuộc đại học).

Tuy nhiên, sau sáp nhập, TP Hồ Chí Minh và Lâm Đồng đã “bắt kịp” Hà Nội, cũng có 4 trường chuyên.

Tại TP Hồ Chí Minh, ngoài 2 trường lâu năm là THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, địa phương mới này có thêm Trường THPT chuyên Hùng Vương (thuộc Bình Dương cũ) và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu cũ).

Lâm Đồng cũng tương tự khi giữ lại Trường THPT chuyên Thăng Long và THPT chuyên Bảo Lộc (thuộc địa bàn cũ), đồng thời bổ sung Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (từ Bình Thuận) và THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (từ Đắk Nông).

9 tỉnh, thành phố có 3 trường chuyên

Bên cạnh 3 địa phương dẫn đầu, 9 tỉnh thành khác hiện có 3 trường chuyên gồm: Phú Thọ, Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Gia Lai, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.

Một số tỉnh cũng ghi nhận hiện tượng đặc biệt sau sáp nhập. Đơn cử như Khánh Hòa (mới), sau khi hợp nhất với Ninh Thuận, hiện có hai trường chuyên cùng mang tên Lê Quý Đôn – đặt theo danh nhân được nhiều trường chuyên trên cả nước lựa chọn làm tên gọi (tổng cộng 8 trường mang tên này).

Sẽ không có chuyện giảm số trường chuyên sau sáp nhập

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị và Phú Thọ khẳng định, đến thời điểm này chưa có bất kỳ chỉ đạo hay kế hoạch nào về việc sáp nhập hoặc cắt giảm số lượng trường chuyên trong tỉnh. Một lãnh đạo Sở GD&ĐT khác nêu quan điểm: “Chưa có quy định nào giới hạn số lượng trường chuyên trong một tỉnh. Ngược lại, việc giữ nguyên 2 đến 3 trường chuyên là cần thiết, vì mỗi trường thường phục vụ một khu vực địa lý nhất định, tạo thuận lợi cho học sinh. Sau sáp nhập, quy mô dân số các tỉnh đều tăng lên, nên nhu cầu đào tạo học sinh giỏi ở các vùng khác nhau cũng tăng theo”.

 Trường THPT chuyên Bắc Ninh số 1.
Trường THPT chuyên Bắc Ninh số 1.

Tính đến hiện tại, Bắc Ninh là tỉnh duy nhất điều chỉnh tên gọi các trường chuyên sau sáp nhập. Theo quyết định mới, Trường THPT chuyên Bắc Ninh đổi tên thành Trường THPT chuyên Bắc Ninh số 1; Trường THPT chuyên Bắc Giang đổi thành Trường THPT chuyên Bắc Ninh số 2.

Việc giữ nguyên và thậm chí mở rộng mạng lưới trường chuyên sau sáp nhập được đánh giá là phù hợp với chiến lược phát hiện và bồi dưỡng nhân tài của các địa phương, nhất là trong bối cảnh các khu vực sáp nhập thường có đặc thù văn hóa, giáo dục riêng và nhu cầu học sinh chuyên biệt vẫn rất cao.

Hồng Phúc