VCCI kiến nghị bỏ quy định kiểm nghiệm mỹ phẩm 6 tháng/lần
(CLO) Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn góp ý, gửi Bộ Y tế liên quan đến Dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm.
Theo VCCI, Đảng và Nhà nước đang xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những ưu tiên để thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch và thông thoáng cho doanh nghiệp. Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% điều kiện kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi toàn diện quy định lần này là cơ hội phù hợp để cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm.
.png)
Tuy nhiên, VCCI cho biết, Điều 63.9 Dự thảo quy định doanh nghiệp phải kiểm nghiệm sản phẩm tối thiểu 6 tháng một lần tại hệ thống kiểm nghiệm nhà nước. Nghĩa vụ này vừa không cần thiết, vừa gây ra nhiều hệ lụy bất cập.
Xét về tính cần thiết, quy định này là thừa thãi vì mục tiêu bảo đảm chất lượng sản phẩm đã được đáp ứng hiệu quả thông qua công cụ chính sách khác là Giấy chứng nhận Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMP-ASEAN).
Toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm phải được sản xuất theo tiêu chuẩn CGMP-ASEAN và có đánh giá độ ổn định nhằm đảm bảo sản phẩm đồng đều về chất lượng và an toàn trong suốt thời hạn sử dụng. Đồng thời, cơ chế xử lý vi phạm cũng đã đủ nghiêm khắc để bảo đảm tính tuân thủ.
Cụ thể, theo Điều 52.11 Dự thảo, các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn CGMP-ASEAN sẽ bị thu hồi Phiếu công bố. Như vậy, bổ sung yêu cầu kiểm nghiệm sau lưu thông là không cần thiết.
Xét về tính hiệu quả, quy định này không mang lại nhiều giá trị thực tiễn vì việc kiểm nghiệm thực hiện trên mẫu do doanh nghiệp tự gửi. Do đó, mẫu kiểm nghiệm có thể không phản ánh đúng chất lượng của sản phẩm lưu hành thực tế trên thị trường.
Cách tiếp cận này đi ngược với xu hướng quản lý hiện đại, khi các quốc gia tại EU và ASEAN đều chuyển sang hậu kiểm khách quan để nâng cao hiệu quả giám sát thực chất. Cách quản lý này tập trung vào lấy mẫu thực tế trên thị trường và “khoanh vùng” các sản phẩm có rủi ro cao dựa trên hệ thống tiêu chí rủi ro.
So với việc yêu cầu kiểm nghiệm sau lưu thông, đây là hướng tiếp cận nâng cao hiệu quả hậu kiểm hơn, cần được cân nhắc áp dụng.
Xét về tính thống nhất với chủ trương của Đảng và Nhà nước, quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước khi chỉ công nhận kết quả từ hệ thống kiểm nghiệm nhà nước.
Điều này không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đồng thời, quy định này cũng khó khả thi do dồn toàn bộ trách nhiệm lên hệ thống kiểm nghiệm nhà nước, trong khi mỗi năm có thể phát sinh hàng triệu mẫu, tiềm ẩn nguy cơ quá tải nghiêm trọng.
Với các lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm sau lưu thông từ hệ thống kiểm nghiệm nhà nước.