Xã hội

Hà Nội chi hơn 3.060 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học

Văn Hiền 09/07/2025 19:44

(CLO) Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn năm học 2025-2026, với tổng kinh phí hơn 3.060 tỷ đồng, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chính sách chăm lo thế hệ tương lai của Thủ đô.

Chiều 9/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua nghị quyết với sự thống nhất tuyệt đối. Đây là bước hiện thực hóa định hướng lớn của thành phố, xuất phát từ gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 17/4/2025, nhằm đảm bảo chất lượng học đường, chăm lo toàn diện cả thể chất và tinh thần cho học sinh.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, học sinh tại các trường tiểu học thuộc vùng núi và xã ở bãi giữa sông Hồng sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng/em/ngày; học sinh các địa bàn còn lại sẽ nhận hỗ trợ 20.000 đồng/em/ngày.

z3285527343183c3dc24cab19af78b674ace86be33edbe-1648090453326682611292-1648090483268326269043-16480905091621111161712.jpeg
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THPT Ban Mai. Ảnh: NTCC

Nếu mức tiền ăn được thống nhất giữa phụ huynh và nhà trường cao hơn mức hỗ trợ, phần chênh lệch sẽ do gia đình chi trả, bảo đảm mỗi suất ăn bán trú đạt tối thiểu 30.000 đồng/ngày.

Chính sách áp dụng với học sinh tiểu học tại tất cả các cơ sở giáo dục công lập và tư thục (trừ các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài), với điều kiện phụ huynh tự nguyện đăng ký cho con tham gia bữa ăn bán trú tại trường.

Dự kiến, hơn 768.000 học sinh tiểu học sẽ được hỗ trợ, trong đó: học sinh trường công lập, hơn 707.000 em;Học sinh trường tư thục: khoảng 60.000 em.

Tổng ngân sách dự kiến hơn 3.063 tỷ đồng, bao gồm: 2.824 tỷ đồng cho khối công lập; 239 tỷ đồng cho khối tư thục.

Theo UBND TP Hà Nội, tiểu học là cấp học bắt buộc học hai buổi/ngày, 100% trường tổ chức ăn bán trú. Việc hỗ trợ bữa ăn không chỉ góp phần đảm bảo dinh dưỡng trong giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ, mà còn giúp phụ huynh giảm gánh nặng đưa đón giữa buổi, từ đó chuyên tâm hơn cho công việc.

Ngoài ra, các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội hiện cơ bản đã đáp ứng được điều kiện tổ chức bữa ăn bán trú, từ nhà ăn, bếp ăn, đến thiết bị, bàn ghế và đội ngũ phục vụ.

Sau năm học 2025-2026, thành phố sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả triển khai, từ đó xem xét khả năng mở rộng chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho các cấp học khác, tùy theo điều kiện ngân sách.

Riêng với các trường có vốn đầu tư nước ngoài, thành phố chưa triển khai hỗ trợ do đặc thù: phần lớn học sinh là con em người nước ngoài, có điều kiện kinh tế cao và học phí, suất ăn bán trú thường vượt xa mức chuẩn tại trường công lập, tư thục. Bên cạnh đó, số lượng học sinh tại các trường này biến động theo thời gian cư trú của phụ huynh.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 778 trường tiểu học (gồm 728 trường công lập và 50 trường tư thục), trong đó 22 trường thuộc khu vực miền núi và các xã bãi giữa sông Hồng, nhóm được hỗ trợ ở mức cao nhất.

Chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú lần này không chỉ là sự đầu tư cho sức khỏe học sinh, mà còn là thông điệp mạnh mẽ của Thủ đô trong việc lấy con người làm trung tâm cho mọi chính sách phát triển.

Văn Hiền