Ngoại trưởng Iran: Mỹ muốn đối thoại hay tiếp tục kéo dài xung đột?
(CLO) Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đặt câu hỏi cho Mỹ rằng nước này lựa chọn giữa đối thoại hòa bình hay tiếp tục bị lôi kéo vào xung đột khu vực.
Trong một bài xã luận đăng trên Financial Times ngày 9/7, ông Araghchi viết: “Quyết định là của nước Mỹ. Liệu cuối cùng Mỹ có chọn giải pháp ngoại giao không? Hay vẫn sẽ sa lầy trong cuộc chiến của người khác?”. Ông cho rằng Washington đang đứng trước ngã rẽ sống còn về chính sách Trung Đông.

Bài xã luận được công bố trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau các cuộc không kích của Israel vào cơ sở hạt nhân Iran ngày 13/6 – hành động được Israel mô tả là “phủ đầu trước mối đe dọa hiện hữu”. Cuộc tấn công đã châm ngòi cho một cuộc chiến kéo dài 12 ngày, trong đó Mỹ cũng thực hiện một số đòn không kích nhằm vào các cơ sở ngầm của Iran.
Theo ông Araghchi, đàm phán giữa ông và đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump – ông Steve Witkoff – trước đó đã có tiến triển vượt bậc.
"Chỉ trong 5 cuộc họp kéo dài 9 tuần, chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả hơn cả 4 năm đàm phán với chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden", ông khẳng định. Tuy nhiên, ông cho biết tiến trình này bị gián đoạn vì các hành động quân sự của Israel.
Ông Araghchi cáo buộc Israel cố tình phá hoại tiến trình đối thoại giữa Iran và Mỹ, đồng thời bác bỏ cáo buộc Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân. Ông nhấn mạnh rằng Iran vẫn là một bên tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích hòa bình dưới sự giám sát của Liên hợp quốc.
Dù ông Trump từng bày tỏ mong muốn dỡ bỏ trừng phạt “vào đúng thời điểm” và khuyến khích Iran “xây dựng lại đất nước theo cách hòa bình”, ông Araghchi đặt dấu hỏi về sự nhất quán và thiện chí của Mỹ. “Sau khi đồng ý đàm phán mới một cách thiện chí, chúng ta đã thấy thiện chí ấy được đáp lại bằng bom đạn của hai quân đội sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông nói.
Trong khi đó, ông Araghchi cũng đã gặp Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman tại Jeddah hôm 8/7, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông tới vương quốc này kể từ sau chiến sự với Israel. Hai bên thảo luận về quan hệ song phương và các vấn đề ổn định khu vực.