Hiểm họa khôn lường từ sử dụng Clo khí trong nuôi trồng thuỷ sản
(CLO) Thực trạng hiện nay ở vùng miền Tây Nam Bộ, việc sử dụng Clo khí để xử lý nước nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nước nuôi tôm nói riêng ngày càng được sử dụng phổ biến. Đi đôi với những hiệu quả mang lại, việc quản lí, sử dụng hoá chất vẫn còn nhiều bất cập, chứa ẩn những hiểm họa khôn lường.
Người nuôi tôm ‘ham rẻ’?
Là một loại khí độc nguy hiểm, Clo khí ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các trại nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt đối với người nuôi tôm ở miền Tây Nam Bộ.
Để ghi nhận thực trạng buôn bán và sử dụng khí Clo tràn lan trên địa bàn các tỉnh, nhóm phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã nhiều ngày thâm nhập thực tế.

Qua nhiều đầu mối từ các chủ trang trại tôm, nhóm PV liên hệ được với Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nam Mỹ, một trong những đơn vị đang chiếm thị phần lớn về cung cấp và lắp đặt hệ thống xử lý nước bằng Clo khí trong nuôi tôm. Bộc lộ nhu cầu cần hệ thống cung cấp khí Clo và lắp đặt hệ thống xử lý nước bằng khí Clo cho một trang trại nuôi tôm tại miền Tây, nhóm PV được hẹn sẽ có người liên hệ lại.
Sau khoảng 10 phút, một nhân viên tên Q. gọi điện lại cho nhóm PV và hẹn đi xuống Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu) để tận mắt chứng kiến hệ thống xử lý nước bằng Clo khí và giới thiệu những thông tin cơ bản về lắp đặt và vận hành hệ thống.
Qua điện thoại, Q. chia sẻ rằng đã lắp đặt rất nhiều hệ thống cho các trang trại nuôi tôm ở miền Tây và Q. xin “sếp” được phụ trách 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Thị trường chủ yếu là ở Cà Mau, chiếm tới 85% lượng tiêu thụ.
Khoảng cuối giờ chiều, gặp nhau ở trang trại nuôi tôm của một chủ hộ nuôi tôm tên Đăng với quy mô nuôi tôm 12ha, lúc này Q. chính thức giới thiệu mình là người của Công ty Nam Mỹ, hiện nay về sản lượng tiêu thụ Clo khí chiếm 80% thị phần tại miền Tây Nam Bộ. Mỗi tháng sản lượng tiêu thụ trên 100 tấn.
Q. nói việc vận hành hệ thống xử lý Clo khí đơn giản, sau khi lắp đặt xong hệ thống thì công ty xuống thực hiện cho 1 lần, còn những lần sau hộ nuôi tôm tự thay bình khí Clo và vận hành, “nó đơn giản như thay bình gas thôi chứ không có gì, công ty chuyển bình xuống đây thôi, còn bình thì khách tự thay”.

Trong lúc trò chuyện chờ trời ngớt mưa, Q. cũng bộc bạch về những bất cập trong việc quản lý hoá chất: “Clo khí cũng được quản lý như Clo bột thôi, như anh Đăng (chủ trại nuôi tôm) để các thùng Clo bột ở đây là sai quy định rồi vì chưa có đăng ký với cơ quan chuyên ngành quản lý hoá chất, kể cả cái xe em đang chở hai bình khí (Q. chỉ về chiếc xe bán tải để trước cổng) cũng là sai quy định”. Vừa nói Q. vừa lục trong cặp ra một tấm chứng chỉ huấn luyện an toàn sử dụng hoá chất và nói rằng đúng ra các hộ phải đi học cái này cho đúng luật, “anh Đăng đây cũng chưa học” – Q. chỉ về chủ trang trại nuôi tôm và cười.

Sau khi giới thiệu về hệ thống cũng như các loại bình khí Clo được Công ty Nam Mỹ cung cấp theo dạng cho thuê hoặc mua thẳng với khối lượng khác nhau, Q. dẫn chúng tôi xuống mục sở thị hệ thống xử lý nước bằng Clo khí đã lắp đặt. Tại đây, Q. nhờ 1 người công nhân của trại tôm vận hành thử cho nhóm PV xem và luôn miệng nói “chỉ đơn giản vậy thôi”.

“Như trang trại anh Đăng là đang dùng loại bình thông dụng 450kg, ngày mai em sẽ dẫn mọi người đi xem một mô hình khác sử dụng bình lớn hơn mà bên công ty em vừa mới lắp đặt.” – Q. hẹn vì vội tiếp tục đi giao khí Clo cho một hộ dân khác.
Ngày hôm sau, có mặt từ thành phố Cà Mau buổi sáng sớm, Q. dẫn nhóm PV đến một trang trại tôm thuộc huyện Cái Nước, do buổi hôm trước đã giới thiệu về cách thức vận hành và giá cả nên Q. đưa luôn nhóm PV vào tham quan mô hình và mời về “kho” chứa bình Clo khí cho biết.
.jpg)
Nằm trên mặt đường Lương Thế Trân thuộc xã Thạnh Phú - huyện Cái Nước, nơi kinh doanh và lưu trữ hoá chất này nằm ngay cạnh một quán café và gần khu có dân cư. Q. mở cửa, thành thục dùng cẩu xích hạ hai chiếc vỏ bình chứa khí Clo từ xe bán tải xuống và giới thiệu về quy mô của kho cùng với các loại bình khí mà Công ty Nam Mỹ đang cung cấp. Hệ thống kho chứa hoá chất sơ sài, nhiều chiếc bình chứa khí gỉ sét khiến chúng tôi không khỏi rùng mình về một loại khí độc lại được lưu trữ một cách thiếu thận trọng như thế.

Theo quan sát của PV, các bình chứa khí Clo tại đây nhiều bình có dấu hiệu không có thông tin kiểm định rõ ràng (không có tem), thậm chí ngày kiểm định còn được ghi bằng bút xoá. Các thông tin liên quan về đơn vị sản xuất cũng như tiêu chuẩn, cảnh báo rách nát, khó có thể truy xuất được nguồn gốc.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây, công đoạn diệt tạp và diệt khuẩn đều được người dân sử dụng các hoá chất như: Chlorine, TCCA, KKC, thuốc tím KMn)4, Formol, Iodine hay PVP-Idodin,...Trong đó, Chlorine, một loại hợp chất hoá học mà khi tan trong nước sẽ giải phóng khí Clo được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất. Khi tan vào nước giải phóng khí Clo - một chất ô xy hoá mạnh, sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn tồn tại trong ao nuôi.
Gần đây, các hộ dân bắt đầu áp dụng phương pháp diệt khuẩn bằng Clo khí, một dạng Clo nguyên chất mà theo người nuôi tôm cho rằng, loại hóa chất này tiết kiệm được công sức, tự động hoá được 1 phần và giá thành rẻ.
Một chủ khu vực nuôi tôm Vĩnh Hậu cho biết, phương pháp sử dụng Clo lỏng (khi thoát ra tạo thành dạng khí) để xử lý nguồn nước nuôi trồng thuỷ sản có ưu điểm nổi trội là giá thành rẻ, đạt hiệu quả cao. Dù mức đầu tư ban đầu là tương đối lớn, tuy nhiên nếu so sánh về mức độ kinh tế so với việc sử dụng Chlorine dạng hạt thì rõ ràng là rẻ hơn rất nhiều.
Hiểm hoạ khôn lường từ Clo khí
Hiệu quả về mặt kinh tế rõ ràng là điều không phải bàn cãi, bởi đây là điều mà người dân nuôi trồng thuỷ sản nắm rõ nhất.

Ông Út (một chủ trại tôm tại Cà Mau) cho biết, sau hơn 10 năm nuôi tôm, ông cảm nhận rõ là dùng Clo khí nhàn hơn và rẻ hơn: “Bình thường tới thời điểm này tôi dùng tới 4 tấn Clo bột khoảng trên dưới gần trăm triệu, nhưng chuyển sang dùng Clo khí còn chưa hết 2 bình (một bình Clo lỏng hiện đang được bán trên dưới 10 triệu đồng).
Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn từ rò rỉ hoá chất nguy hiểm này lại gần như không được cảnh báo tới người nông dân. Theo một chuyên gia cho biết, Clo khí là một hóa chất nguy hiểm và có thể gây hại cho sức khỏe con người nếu không được sử dụng, bảo quản đúng cách. Khi tiếp xúc với da, clo khí có thể gây bỏng lạnh, tê cóng, hoặc ăn mòn da. Tiếp xúc với mắt có thể gây đau rát, mờ mắt, thậm chí mù lòa. Ngoài ra, clo khí còn có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em và người già.
Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm về sự cố rò rỉ khí Clo, năm 2022, tại Mỹ, một vụ nổ bình khí Clo tại cảng biển đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 250 người khác bị thương. Tại Việt Nam, cũng ghi nhận nhiều ca ngộ độc khí này, gần đây nhất, năm 2024 đã xảy ra 1 vụ rò rỉ khí khi nhóm lao động 9 người tại Khoái Châu (Hưng Yên) trong lúc khò phế liệu cũ thì bị khí Clo bốc lên khiến 3 người phải nhập viện.... Trong chiến tranh, khí Clo đã từng được sử dụng là vũ khí hoá học - Vị chuyên gia cho biết và khuyến cáo những người sử dụng thực tế tại các trang trại nuôi tôm không nên lơ là, chủ quan khi sử dụng.
Luật sư Lê Ngọc Hoàng - Văn phòng Luật sư Long Tâm cho biết, đang có một mâu thuẫn lớn trong việc quản lý khí Clo: "Pháp luật quy định vô cùng chặt chẽ, nhưng trên thực tế, người dân vẫn đang sử dụng trái phép hàng ngày, tiềm ẩn những rủi ro chết người đã được chứng minh qua nhiều vụ tai nạn trong quá khứ. Sự lỏng lẻo trong quản lý và sai phạm của người dùng đã dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm. Thực tế tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều vụ rò rỉ, ngộ độc khí Chlorine, điển hình như vụ 7 công nhân tại một nhà máy điện ở Quảng Ninh bị ngộ độc hay các sự cố rò rỉ khí độc từng xảy ra tại TP.HCM".
Luật sư Hoàng cũng cho rằng vấn đề nằm ở khâu thực thi và giám sát - "Tôi cho rằng nên tập trung vào việc đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc để tồn tại "thị trường trôi nổi" này, từ đó thúc đẩy việc thực thi pháp luật một cách nghiêm túc hơn chứ vấn đề không phải nằm ở chỗ "thiếu luật".