Đất nền giáp TP HCM tăng giá nhẹ, nhà đầu tư đổ về đón sóng quy hoạch mới
(CLO) Sự điều chỉnh quy hoạch và thay đổi địa giới hành chính đang tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến thị trường đất nền các khu vực giáp ranh TP HCM. Giá bán tại loạt dự án thuộc Bình Dương (cũ) như Dĩ An, Thuận An, Mỹ Phước… tiếp tục nhích lên trong khi sức mua tăng đáng kể.
Đất nền vùng ven thiết lập mặt bằng giá mới
Ghi nhận từ Batdongsan.com.vn cho thấy, quá trình sáp nhập hành chính vào TP HCM đã tạo hiệu ứng tăng giá rõ nét đối với phân khúc đất nền tại các địa bàn vốn thuộc tỉnh Bình Dương trước đây. Mặt bằng giá tại Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Mỹ Phước hay Tân Uyên đồng loạt nhích nhẹ từ cuối tháng 2/2025 đến nay, bất kể ở các vị trí mặt tiền hay trong các khu dân cư quy hoạch.
Tại khu đô thị Đông Bình Dương, giá rao bán đất nền đã tăng từ 11–13 triệu đồng/m2 lên mức 12–14 triệu đồng/m2. Một số vị trí mặt tiền đường Thống Nhất, trong khu đô thị Bình Nguyên, ghi nhận giá chào bán từ 66,5–70 triệu đồng/m2 lên 68–72 triệu đồng/m2. Ngay cả các lô đất nằm ở cổng dự án hoặc sâu bên trong khu đô thị cũng có mức điều chỉnh tăng nhẹ từ 1–2 triệu đồng/m2.

Tại dự án Icon Central, giá đất nền cũng có xu hướng đi lên sau thông tin sáp nhập. Cụ thể, những lô đất mặt tiền đường rộng 13m tăng từ 45,5–47 triệu đồng/m2 lên 46–48 triệu đồng/m2. Các lô đất thuộc tuyến đường nhỏ hơn cũng tăng giá từ 42 lên 43 triệu đồng/m2.
Khu vực Golden Center City duy trì đà tăng đã bắt đầu từ đầu năm. Mức giá trung bình từ 15–16 triệu đồng/m2 đã nhích lên 16–17 triệu đồng/m2, trong khi một số lô mặt tiền kinh doanh được chào bán ở mức 21 triệu đồng/m2, cao hơn mức trung bình 18 triệu đồng/m2 hồi quý I/2025.
Tại Mỹ Phước, đất nền có mức điều chỉnh nhẹ 1–2 triệu đồng/m2, hiện phổ biến ở mức 17–20 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích. Khu đô thị Richland Residence (đường Hòa Lợi) cũng ghi nhận mức tăng từ 27–30 triệu đồng/m2 lên 29–32 triệu đồng/m2, kể cả với những lô đất sâu trong nội khu, hạ tầng nhỏ.
Dữ liệu thực tế cho thấy sự tăng giá không ồ ạt mà diễn ra theo hướng tăng đều, phản ánh tâm lý tích cực của thị trường khi quá trình chuyển đổi địa giới hành chính mang lại kỳ vọng lớn về quy hoạch và đầu tư công.
Sức mua tăng do nhà đầu tư “chạy trước quy hoạch”
Không chỉ giá rao bán, mà sức mua trên thị trường đất nền tại khu vực này cũng tăng đáng kể sau Tết Nguyên đán 2025. So với thời điểm cuối năm 2024, lượng giao dịch và mức độ quan tâm theo thống kê từ Batdongsan.com.vn tăng khoảng 20–30%. Đây được xem là sự nối dài của làn sóng dịch chuyển dòng tiền khỏi khu vực trung tâm TP HCM – nơi mặt bằng giá và chi phí đầu tư đã ở mức cao – sang vùng ven có quy hoạch mở rộng.
Anh Sĩ Hùng - một môi giới bất động sản hoạt động lâu năm tại khu vực Dĩ An cho biết, phần lớn khách hàng thời gian qua là nhà đầu tư cá nhân đến từ TP HCM, Biên Hòa, thậm chí cả Bà Rịa – Vũng Tàu. “Tâm lý chung là tìm điểm rơi giá tốt ở những khu vực mà khả năng sinh lời có thể được kích hoạt bởi yếu tố quy hoạch và hạ tầng sáp nhập”, người này nói.
Theo môi giới này, nếu như trước đây, người mua thường thận trọng và dè chừng với đất vùng giáp ranh, thì nay, chính sự thay đổi về địa giới hành chính lại trở thành yếu tố “hợp pháp hóa” kỳ vọng tăng giá. Việc đất Dĩ An, Thuận An trở thành đất TP HCM đã đánh dấu một sự thay đổi căn cơ về tâm lý, nhất là khi các đô thị này vốn đã hội đủ điều kiện về kết nối giao thông, tiện ích xã hội và mật độ dân cư.

Một nhà đầu tư đến từ quận Bình Thạnh (TP HCM) chia sẻ, anh lựa chọn xuống tiền ở Mỹ Phước do đánh giá cao tiềm năng phát triển công nghiệp kết hợp với quỹ đất lớn và giá còn hợp lý. “Sau khi sáp nhập, khu vực này có thể được ưu tiên hơn về mặt ngân sách, giao thông kết nối với trung tâm TP HCM cũng sẽ nhanh hơn. Đó là lý do tôi chọn mua sớm,” anh nói.
Cũng theo chia sẻ từ giới đầu tư, một trong những yếu tố khiến sức mua tăng mạnh thời gian qua là lo ngại về việc khan hiếm nguồn cung ngắn hạn. Khi quá trình sáp nhập đang trong giai đoạn rà soát lại quy hoạch tổng thể, nhiều nhà đầu tư e ngại việc cấp phép mới cho các dự án đất nền sẽ bị tạm hoãn hoặc kéo dài. Điều này dẫn đến hiện tượng “mua đón đầu” để giữ suất, nhất là với các lô đất có pháp lý hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, các yếu tố như lo ngại thủ tục hành chính có thể chậm lại trong giai đoạn đầu chuyển giao, hoặc e ngại việc điều chỉnh quy hoạch có thể làm thay đổi khả năng khai thác, cũng khiến nhà đầu tư tranh thủ giao dịch sớm. Tâm lý “sợ trễ sóng” cũng đang lan nhanh trong một bộ phận nhà đầu tư cá nhân.
Chị Lê Thùy - một nhà đầu tư từ TP HCM cho biết: “Trước đây tôi từng bỏ lỡ cơ hội ở Nhơn Trạch và Bình Chánh vì chờ giá xuống. Lần này tôi chọn mua ngay vì tin rằng khi triển khai đồng bộ các chính sách, giá đất sẽ khó giữ ở mức như hiện tại”.