Sức hút từ công nghệ tương tác trong trưng bày báo chí
(NB&CL) Với một bảo tàng chuyên ngành như Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nơi lưu giữ hơn 40.000 tài liệu, hiện vật phản ánh 160 năm lịch sử báo chí nước nhà, thì việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ tương tác trong trưng bày, chính là giải pháp cốt lõi để nâng cao trải nghiệm, thu hút thêm công chúng và đảm bảo tính cập nhật, sống động cho trưng bày…
Ứng dụng công nghệ với trải nghiệm không giới hạn
Thạc sĩ Thân Quang Minh - Trưởng phòng Nghiệp vụ - Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, ngay từ khi thành lập, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã xác định và đề ra chủ trương tích hợp ứng dụng CNTT trong một hệ thống đồng bộ xuyên suốt từ việc sưu tầm, quản lý tài liệu hiện vật, đến công tác số hóa trưng bày bảo tàng tích hợp công nghệ quản lý trưng bày trực tuyến, công tác truyền thông thông qua các thiết bị công nghệ đa phương tiện, bảo tàng trực tuyến, 3D và công nghệ mở rộng thực tế (AR)….
Chia sẻ về tác động thực tế và giá trị mang lại của việc trưng bày tương tác này, ông Minh cho rằng, điều này sẽ giúp mở rộng thông tin và trải nghiệm không giới hạn bởi với hệ thống lưu trữ lớn được kết nối trực tuyến với máy chủ trung tâm, các cán bộ bảo tàng có thể cập nhật nội dung trưng bày mọi lúc, mọi nơi. Điều này còn giúp bảo tàng chủ động hơn trong điều chỉnh nội dung theo thời sự báo chí, các ngày lễ lớn của đất nước, của các ngành, của các cơ quan báo chí đăng ký tham quan...
Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ sẽ nâng cao hiệu quả quản lý và tiếp cận bởi việc sử dụng phần mềm để quản lý hiện vật giúp đơn giản hóa quy trình kiểm kê, tra cứu, bảo quản – tiết kiệm thời gian và nhân lực. Đặc biệt, ở góc độ thực tiễn, việc trưng bày tương tác đã tối ưu hóa nội dung trưng bày bởi các giải pháp tương tác và số hóa cho phép thể hiện lượng thông tin lớn trong diện tích giới hạn. Từ đó, tăng độ hấp dẫn và chủ động của khách tham quan khi mà người xem có thể khám phá theo nhu cầu, theo tuyến đề xuất hoặc ngẫu nhiên, tùy chỉnh trải nghiệm cá nhân.
Và đây cũng chính là cách giúp mở rộng kênh truyền thông - giáo dục khi Bảo tàng đã xây dựng hệ sinh thái số bao gồm website, fanpage, youtube, và nay là không gian bảo tàng ảo – phục vụ cả truyền thông và giáo dục văn hóa…
.jpg)
Tất nhiên, bên cạnh những giá trị mang lại của việc bắt nhịp nhanh với công nghệ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam thì phía trước vẫn còn đó nhiều thách thức trong phát triển như về chi phí đầu tư, kiến thức công nghệ, khả năng cập nhật của con người, sự chia sẻ kết nối… Trao đổi về định hướng trong giai đoạn tới, ông Thân Quang Minh cho biết: Bảo tàng Báo chí Việt Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh vấn đề này với việc xây dựng bảo tàng trực tuyến, bảo tàng ảo 3D, tích hợp tour tham quan online cho khách trong và ngoài nước.
Đồng thời ứng dụng công nghệ AI để cá nhân hóa trải nghiệm: Ví dụ hệ thống gợi ý tuyến tham quan theo độ tuổi, nghề nghiệp, thời gian tham quan. Phát triển trưng bày mở rộng qua thiết bị di động, tích hợp bản đồ số, công cụ tìm kiếm và phản hồi từ khách tham quan. Đổi mới, tăng cường thêm các trải nghiệm và tương tác thực tế về các loại hình báo chí để làm phong phú hơn các nội dung trưng bày.
Bảo tàng Báo chí số - điểm nhấn ấn tượng
Trưng bày tương tác được coi là một bước tiến thiết thực mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã dụng công thực hiện. Với tổng diện tích trưng bày gần 1.500 m2, Bảo tàng đã trang bị 72 màn hình cảm ứng và trình chiếu đặt tại các cụm trưng bày từ tầng 1 đến tầng 2, trong đó có: 14 màn hình tầng 1 trưng bày báo chí Việt Nam từ 1865-1975; 58 màn hình tầng 2 trưng bày báo chí 1975 đến nay, báo chí địa phương, báo điện tử...
Một trong những ứng dụng tương tác tiêu biểu nhất được khai thác là Bảo tàng Báo chí số - bước đột phá trong chuyển đổi số. Dịp kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam vừa qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân và đối tác công nghệ YooLife ra mắt dự án Bảo tàng Báo chí ảo trên không gian số. Dự án đã số hóa toàn bộ không gian trưng bày với hàng trăm hiện vật bằng mô hình 3D chân thực, cho phép tương tác như khi tham quan trực tiếp.
Dự án Bảo tàng Báo chí số gồm có Không gian số 360° với toàn bộ không gian trưng bày đã được số hóa bằng công nghệ quét 3D hiện đại, cho phép người xem tham quan trực tuyến như đang đứng trong bảo tàng thực tế. Ngoài ra, hiện vật số hóa và tương tác thông minh giúp người dùng có thể “chạm” để xem thông tin, phóng to - thu nhỏ, nghe thuyết minh và khám phá câu chuyện sau mỗi hiện vật. Công nghệ thực tế ảo 360, AI, mô hình 3D cho phép trải nghiệm đa dạng, hấp dẫn theo tiến trình lịch sử báo chí. Đặc biệt là bảo tàng số có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi, dù ở bất kỳ đâu, công chúng trong và ngoài nước đều có thể tiếp cận bảo tàng qua máy tính, điện thoại thông minh, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Thạc sĩ Thân Quang Minh, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Báo chí cho biết: “Dự án xây dựng bảo tàng mô hình Bảo tàng 3D đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Mô hình này không chỉ là sự tiếp cận công nghệ hiện đại để làm giàu trải nghiệm tham quan, mà còn là một giải pháp thiết thực nhằm đưa di sản báo chí đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là những người không có điều kiện đến tham quan trực tiếp.
Chúng tôi cũng kỳ vọng bảo tàng ảo có thể trở thành một công cụ giáo dục trực tuyến hữu ích, phục vụ công tác đào tạo nghiệp vụ báo chí, nghiên cứu truyền thông, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Sự phát triển của bảo tàng ảo sẽ góp phần khẳng định vai trò của Báo chí Cách mạng trong lịch sử, đồng thời lan tỏa tình yêu nghề, trách nhiệm xã hội và khát vọng đổi mới tới các thế hệ nhà báo kế cận”.

Bên cạnh đó, tại các không gian trưng bày, khách tham quan có thể tương tác và trải nghiệm trên 100 bộ phim về lịch sử báo chí, chân dung nhà báo và hàng trăm video về các phóng sự, hình ảnh, bài viết thông qua màn hình cảm ứng, truy cập vào các tờ báo điện tử theo thời gian thực - một trải nghiệm cá nhân hóa cao. Việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày bản đồ báo chí theo địa phương để khắc phục giới hạn không gian bằng cách bố trí các màn hình tra cứu báo chí các tỉnh thành với đa dạng các video, hình ảnh, tài liệu giúp công chúng tiếp cận nội dung phong phú trên diện tích khiêm tốn… cũng là trải nghiệm thú vị - điều mà trưng bày truyền thống sẽ không thể thực hiện được.
Đồng thời, không gian trải nghiệm các loại hình báo chí cũng được công nghệ hỗ trợ đắc lực khi khách tham quan thử làm nhà báo, trải nghiệm báo in, phát thanh, truyền hình và báo mạng. Để thu hút nhiều hơn công chúng, Bảo tàng còn tổ chức các sự kiện tương tác thực tế như việc phối hợp với các đối tác tổ chức các sự kiện trải nghiệm thực tế như workshop “Mật mã số báo” đã diễn ra thời gian qua… Những nội dung này vừa mang tính giáo dục, vừa phù hợp với nhóm khách trẻ, học sinh, sinh viên.
Việc đầu tư vào công nghệ để thúc đẩy trưng bày tương tác là một xu hướng nhưng trưng bày truyền thống vẫn luôn là nhiệm vụ song hành. “Công nghệ tương tác không phải là sự thay thế cho trưng bày truyền thống, mà là chìa khóa để “kéo gần” công chúng với di sản văn hóa. Với kinh nghiệm thực tiễn đã triển khai, Bảo tàng Báo chí Việt Nam mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các bảo tàng bạn và các đơn vị cung ứng giải pháp trong công cuộc hiện đại hóa hoạt động trưng bày, hướng đến một hệ sinh thái bảo tàng số, linh hoạt, sáng tạo và hấp dẫn…” - ông Thân Quang Minh nhấn mạnh.