Nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên – Báo Nhân Dân: Tôi tin vào sức mạnh của trò chuyện…
(NB&CL) “Tôi không biết mình còn có thể tiếp tục được bao nhiêu cuộc trò chuyện như thế này nữa – khi thời gian thì ít lại, mà thời thế thì đổi thay từng ngày... Nhưng nếu một ai đó, ở một khoảnh khắc nào đó, mở cuốn sách này và dừng lại thật lâu bên một câu nói, một ý nghĩ, hay chỉ đơn giản là một tiếng thở dài của nhân vật thì tôi biết, mình cũng đã kịp để lại một dấu vết nhỏ trong cuộc đối thoại dài rộng của đời sống…”
Nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên đã mở đầu như vậy trong cuộc trò chuyện về cuốn sách vừa xuất bản của mình có cái tên rất “chạm” - “Cả cay đắng cũng nằm trong hạnh phúc”…
Có những câu trả lời, càng có độ lùi thời gian càng sáng rõ
+ Tôi nhớ là ông từng ra rất nhiều sách từ truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, ký sự nhân vật... Và đây hình như là cuốn sách đầu tiên về “đối thoại phỏng vấn”. Lựa chọn thời điểm 100 năm Báo chí Cách mạng với một sự khác biệt, chắc chắn sẽ có một… háo hức riêng?
- Đúng là như vậy - đây chính là cuốn sách đầu tiên mà tôi tập hợp các bài báo ở thể loại phỏng vấn. Cách đây hơn mười năm, khi còn là phóng viên của Báo Tiền Phong, tôi đã có một ngày làm nghề mà đến bây giờ vẫn còn nguyên trong ký ức. Buổi sáng hôm ấy, tôi theo chân một người công nhân móc cống – đúng nghĩa đen.
Chúng tôi chui xuống cống ngầm sâu hun hút, nơi bóng tối đen quánh và mùi hôi bám dính cả vào suy nghĩ. Trong thứ ánh sáng lập lòe của đèn pin, khuôn mặt ông như tan vào bóng tối, chỉ còn lại một vùng sáng nhỏ: hai hàm răng. Buổi chiều, tôi lại có mặt tại một khách sạn 5 sao, tôi phỏng vấn một nữ hoàng – đúng nghĩa đen – từ một vương quốc châu Âu. Không khí thơm mùi nước hoa đắt tiền, mọi thứ được sắp xếp chỉn chu đến từng ly café. Hai cuộc phỏng vấn, hai thế giới. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên chính là cảm giác của mình: trong mùi cống hay mùi nước hoa, tôi đều thấy phấn khích như nhau. Cảm giác được trò chuyện, được bước vào thế giới của một người khác – dù họ là công nhân hay nữ hoàng – luôn khiến tôi háo hức.
Đó chính là lý do tôi thích thể loại phỏng vấn - một thể loại báo chí giúp đi sâu vào từng con người với tư cách là một “tiểu vũ trụ”. Tôi không kể chuyện của mình mà góp nhặt tiếng nói của những người nổi tiếng, có “thẩm quyền” trong lĩnh vực mà họ gắn bó. Tôi chỉ là người lắng nghe và ghi chép lại, với mong muốn chuyển tới bạn đọc một phần nào giá trị mà những cuộc trò chuyện ấy đã mang lại. Nếu còn có niềm tin vào những lời thành thật, thẳng thắn dường như đang thưa vắng, có lẽ sách cũng đáng dành thời gian.

+ Ông đã mang sự “thành thật, thẳng thắn nhưng dường như đang thưa vắng” này vào cuốn sách như thế nào, thưa ông?
- Tôi luôn cố gắng lan toả điều ấy trong từng cuộc phỏng vấn - đối thoại với các nhân vật mà mình có cơ hội được trò chuyện. Nếu “mỗi con người là một cuốn sách, miễn là ta biết cách đọc”, thì tôi luôn cố gắng “đọc” nhân vật bằng cả sự tỉnh táo lẫn sự tò mò – để có thể mang về không chỉ thông tin, mà cả tâm trạng, ánh nhìn, nỗi im lặng chưa thốt nên lời…
Đó là cuộc trò chuyện với GS Ngô Bảo Châu nhưng không nói về toán học mà nói về hạnh phúc và… cái chết; Đối thoại với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về “Tướng về hưu” và những thâm sâu của văn chương; Đối thoại với nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh - nửa đời làm thơ nửa đời nuôi chó, nhưng suốt đời “bát phố” và hiến dâng cho dân gian những câu thơ tưởng chừng tếu táo mà thấm đẫm minh triết. Đối thoại với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan về một thời đại mới sau Covid-19; với đại tướng Phạm Văn Trà về sức mạnh thực sự của quân đội nằm ở đâu?... Trong cuốn sách này, có những loạt bài là kết quả của chuỗi phỏng vấn với các chuyên gia, nhà quản lý về những chủ đề như: “Đổi mới sáng tạo - động lực tăng trưởng mới”, hay các giải pháp ngăn chặn suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh hiện nay.

Tôi nhận ra rằng, có những cuộc gặp chỉ sau nhiều năm mới nhận ra là quý. Có những câu trả lời, càng có độ lùi thời gian càng sáng rõ – như rượu ủ lâu trong thùng gỗ sồi, càng lâu càng thấm. Và có những gương mặt, có những câu nói, chỉ gặp một lần mà ám ảnh suốt một đời. Tôi tin vào sức mạnh của trò chuyện. Một cuộc đối thoại tử tế, không định kiến, không áp đặt, luôn để lại những khoảng sâu lắng lâu dài trong lòng người đối thoại và – hy vọng – cả người đọc. Một cuộc đối thoại lý tưởng, là khi người nói càng nói càng sáng, người nghe càng nghe càng muốn nghe thêm.
Phỏng vấn không ngừng biến đổi theo dòng chảy báo chí hiện đại
+ Tôi thấy trong cuốn sách, có nhiều tác phẩm được dẫn dắt rất kỹ càng trước mỗi cuộc trò chuyện mà không phải dạng sapo bài viết… làm người đọc khá tò mò. Đây là dụng ý của tác giả hay là vì... nói mãi vẫn còn chưa đủ ý, thưa ông?
- Thực ra những phần đó là tôi đã viết thêm vào khi tập hợp thành sách. Tập sách này là tập hợp một số bài phỏng vấn sâu của tôi – từng được đăng trên Báo Nhân Dân, Báo Tiền Phong và Tạp chí Sông Lam – ở những thời điểm khác nhau, theo dòng chảy thời sự. Giờ đây, khi gom lại in thành sách, tôi giữ nguyên văn bài viết, nhưng có viết thêm phần đề dẫn cho từng bài – như một cách gợi mở thêm về nhân vật, không khí cuộc phỏng vấn, hoàn cảnh xã hội lúc ấy... Những dòng đề dẫn này vừa mang tính hồi ký, vừa giúp chuyển ngữ bài báo sang một hình thức phù hợp với sách – không bê nguyên xi thứ “nhật trình” từ mặt báo vào trang in.

+ Phỏng vấn là thể loại luôn cũ – và cũng luôn mới. Cũ, bởi từ khi báo chí ra đời, gần như luôn có phỏng vấn song hành. Ngày nay, khi công nghệ mở rộng biên giới của truyền thông, phỏng vấn buộc phải bước sang một không gian mới: không giấy, không hình thức cố định, không giới hạn giờ phát sóng… Phỏng vấn đã “chuyển động” với sức hấp dẫn, đa dạng hơn như thế nào, thưa ông?
- Trong hầu hết các tác phẩm báo chí, thứ đầu tiên thường là một cuộc hỏi chuyện. Nhà báo, suy cho cùng, chính là những người kể chuyện – nhưng kể bằng cách hỏi người khác, rồi xác minh, kiểm chứng, và kể lại bằng một tinh thần có trách nhiệm. Đó là một thói quen cổ xưa của loài người: Hỏi – lắng nghe – và kể lại.
Nhưng phỏng vấn cũng luôn mới – bởi chính nó không ngừng biến đổi theo dòng chảy của báo chí hiện đại. Câu hỏi không còn chỉ đơn tuyến, mà đã đa chiều hơn, cá nhân hóa hơn, giàu tính phản biện hơn. Người phỏng vấn không ẩn mình hoàn toàn như trước, mà mang theo cả cái tôi, góc nhìn, sự lựa chọn ngôn ngữ, cách tiếp cận – từ đó tạo ra sự khác biệt. Câu trả lời không còn được xem là “đáp án” để chép nguyên, mà trở thành chất liệu để “chế biến” thành tác phẩm báo chí – mang hình hài của tư duy viết, cấu trúc, ngôn ngữ và dụng ý tác giả.
Trên báo chí Mỹ, nhiều bài phỏng vấn không trình bày theo lối hỏi – đáp truyền thống, mà được chia theo nhóm vấn đề, với nhà báo đóng vai trò người dẫn chuyện, xen các trích dẫn để tạo mạch tư duy xuyên suốt. Ngày nay, trên các nền tảng số như Spotify, Apple Podcasts, hay YouTube, một cuộc trò chuyện có thể được nghe – được xem – bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Những “trần kỹ thuật” từng bó hẹp phỏng vấn in chữ truyền thống dường như bị phá vỡ hoàn toàn. Có những podcast đạt hàng triệu lượt nghe, ảnh hưởng đến cả kết quả bầu cử Tổng thống ở Mỹ.
Có những chương trình phỏng vấn trên YouTube thu hút hàng chục triệu lượt xem và người phỏng vấn không nhất thiết phải là nhà báo thuộc một cơ quan chính thống, mà vẫn sống được bằng thu nhập chia sẻ từ quảng cáo. Phỏng vấn – suy cho cùng – vẫn là cuộc hỏi chuyện giữa người với người. Nhưng cái cách người ta hỏi, người ta kể lại và người ta lan tỏa nó – thì đang không ngừng thay đổi…
+ Xin cảm ơn ông!