Giáo dục nghề nghiệp "thay da đổi thịt": Hướng đi ngắn, chắc để vào đời bằng thực lực
(CLO) Thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 2239/QĐ-TTg), hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước đang có những chuyển động mạnh mẽ. Từ chỗ bị coi là lối rẽ phụ, giáo dục nghề nghiệp đang dần khẳng định vai trò là “cánh cửa chính” dẫn đến tương lai bền vững bằng kỹ năng và năng lực thực.
Không đợi người học thay đổi, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã chủ động thay đổi cách làm, cách nghĩ – mở rộng con đường học tập, nghề nghiệp ngay từ bậc THCS.
Minh chứng là tỉ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 90%, nhiều ngành đạt 100%, thu nhập trung bình từ 10–15 triệu đồng/tháng. Cả nước hiện có 2.464 cơ sở dạy nghề, trong đó 1.520 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 416 trường cao đẳng, 376 trường trung cấp và 728 trung tâm giáo dục nghề.
Để thấy rõ sự chuyển mình của hệ thống, phóng viên đã ghi nhận thực tế từ 2 cơ sở GDNN tiêu biểu ở hai miền Nam – Bắc. Đại diện các cơ sở đã chia sẻ về những nỗ lực đổi mới trong chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh năm 2025, công tác giảng dạy và cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
“Không đào tạo nghề chỉ để có nghề”
Tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi nhu cầu nhân lực kỹ năng cao ngày càng cấp thiết, Trường Cao đẳng Kiên Giang đang góp phần hình thành “ngân hàng nhân lực chất lượng cao” phục vụ phát triển vùng.
Thầy Nguyễn Minh Quân, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chúng tôi không xem nhà trường chỉ là nơi đào tạo nghề, mà phải tạo cơ hội lập thân, lập nghiệp thực chất cho học sinh đang loay hoay tìm hướng đi sau lớp 9 hay lớp 12".

Tư duy này được cụ thể hóa qua tuyển sinh linh hoạt: xét tuyển bằng điểm trung bình môn Toán – Văn của lớp 11, học kỳ I lớp 12 hoặc cả năm lớp 12. Với hệ 9+ dành cho học sinh THCS, chỉ cần điểm TB hai môn Toán – Văn lớp 9. Quan trọng hơn, trường không để điểm số thành rào cản khiến học sinh mất cơ hội.
Trường cũng đẩy mạnh mô hình 9+ – kết hợp học văn hóa phổ thông và nghề nghiệp. Sau 4 năm, người học nhận đồng thời bằng THPT, trung cấp và cao đẳng. Các em được miễn 100% học phí trung cấp và giảm đến 70% học phí cao đẳng – chính sách đặc biệt hữu ích với học sinh vùng sâu, vùng xa.
Mùa tuyển sinh 2025, trường tuyển sinh trên toàn quốc, chia thành hai đợt (từ 11/3–30/6 và 1/7–30/10 hoặc đến khi đủ chỉ tiêu). Học sinh có thể chọn 25 ngành cao đẳng và 17 ngành 9+ thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, du lịch – dịch vụ, nông nghiệp... Các chương trình đều thiết kế theo thực tiễn địa phương và chuẩn ASEAN.
“Chọn nghề là yếu tố quyết định quan trọng cho cả cuộc đời. Nhiều học sinh hiện nay chưa định hình rõ tương lai nghề nghiệp, nếu không được định hướng đúng lúc, các em dễ chọn sai ngành hoặc bỏ lỡ cơ hội. Vì thế, trường chủ động đến tận các trường phổ thông để chia sẻ và tư vấn cho học sinh”, thầy Quân cho biết thêm.
Ngoài đào tạo trong nước, trường còn hợp tác quốc tế với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức… mở rộng cơ hội nghề nghiệp và kỹ năng toàn cầu. Các cuộc thi như “Thiết kế hệ thống điều hòa trung tâm VRF-FSV Panasonic”, học bổng tiếng Anh Access… giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng mềm.



“Lấy người học làm trung tâm – thầy cô là động lực”
Tại phía Bắc, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội là một trong những cơ sở đi đầu về đổi mới ở Thủ đô cũng như trong khu vực. Phó Hiệu trưởng Trần Thanh Bình nhấn mạnh: “Nhà trường không chỉ đào tạo nghề mà còn định hình tương lai cho người học".
Ông Bình cho biết trường hướng tới một môi trường đào tạo mở, linh hoạt với triết lý: “Lấy người học làm trung tâm, thầy cô giáo là động lực, nhà trường là bệ đỡ, gia đình là điểm tựa".
Tại đây, 80% thời lượng chương trình dành cho thực hành và thực tập tại doanh nghiệp. Trường chủ động hợp tác với doanh nghiệp để cập nhật công nghệ, cải tiến chương trình học, mở thêm ngành nghề mới. Sinh viên được khuyến khích nghiên cứu, khởi nghiệp thông qua các cuộc thi, dự án hợp tác thực tế.
“Chúng tôi hướng tới đào tạo toàn diện: kỹ năng nghề, tư duy sáng tạo và phẩm chất đạo đức. Đây là nền tảng để học viên vững vàng bước vào kỷ nguyên công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Bình khẳng định.
Liên kết ba bên – Chìa khóa vàng của giáo dục nghề
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Cục Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhận định: “Liên kết ba bên: nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp chính là chìa khóa thành công”. Mối liên kết này vừa được cụ thể trong Luật GDNN, vừa là chiến lược phát triển bền vững.
“Đào tạo nghề hiện nay không chỉ là dạy nghề, mà còn phải đáp ứng thực tiễn doanh nghiệp, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội. Chỉ đạo sát sao của Chính phủ là yếu tố then chốt giúp GDNN tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế và mở ra thị trường lao động toàn cầu cho sinh viên”, ông Bình nói.


Giữa lúc nhiều học sinh sau THCS, THPT còn loay hoay giữa học tiếp hay đi làm, GDNN không chỉ mở ra một hướng đi mới mà là một cánh cửa thực sự dẫn đến tương lai vững chắc.
Với tinh thần đổi mới, linh hoạt và đồng hành cùng người học từ lúc chọn ngành đến khi lập nghiệp, các cơ sở GDNN đang góp phần thay đổi tư duy: học nghề không phải là lối rẽ phụ, mà chính là con đường ngắn, hiệu quả để vào đời bằng năng lực thực sự. Trong một thế giới đang chuyển mình theo hướng “làm trước, học theo nhu cầu” sẽ là sự lựa chọn hợp lý của giới trẻ hiện nay.