Xã hội

Sau mùa thi là mùa lo: Cần làm gì khi sĩ tử gục ngã trước áp lực vô hình?

Văn Hiền 10/07/2025 10:16

(CLO) Kỳ thi tuyển sinh vào 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã khép lại, nhưng không phải học sinh nào cũng bước ra khỏi trường thi với sự nhẹ nhõm. Ở bên kia của điểm số, hàng ngàn “sĩ tử” vẫn đang âm thầm vật lộn với khủng hoảng tâm lý, trong cuộc chiến cam go mang tên áp lực thi cử.

Nhiều em rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ, lo âu, mất ngủ, thậm chí sang chấn tâm lý. Áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình, bạn bè, nỗi lo lựa chọn đúng ngành, đúng trường, cộng thêm sự thay đổi trong cấu trúc kỳ thi năm 2025 khiến các em như đứng trước một cơn bão tinh thần ”, Thạc sĩ (ThS) Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Cầu Vồng Xanh chia sẻ.

ThS Hương cho rằng, cần hiểu đúng bản chất các hành vi tiêu cực của học sinh, đặc biệt là các vụ việc đau lòng thời gian gần đây như tự tử ở lứa tuổi học đường: “Nhiều người cho rằng đó là do áp lực học hành, nhưng theo tôi, cách hiểu này chưa hoàn toàn chính xác. Hành vi tự tử thường xuất phát từ hai nhóm tác nhân chính: nền tảng và kích hoạt” - cô Hương phân tích.

z6788777987138_d1ded65d0c8468a30178a1dbcf14a926.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tâm lý Giáo dục Cầu Vồng Xanh.

Tác nhân nền tảng là những yếu tố âm ỉ, kéo dài như thiếu gắn kết với cha mẹ, cảm giác cô lập, áp lực thành công, sang chấn tuổi thơ. Trong khi đó, tác nhân kích hoạt là những biến cố bất ngờ như mâu thuẫn gia đình, bị xúc phạm, bị thách thức hay tác động tiêu cực từ mạng xã hội. Khi hai yếu tố này gặp nhau, nó có thể đẩy học sinh tới những quyết định đau lòng.

Đặc biệt, mạng xã hội vốn được xem là "bạn đồng hành" giờ đây trở thành con dao hai lưỡi: “Có những nhóm kín chuyên chia sẻ suy nghĩ tiêu cực, nói xấu cha mẹ, thậm chí hướng dẫn cách tự tử hoặc bỏ nhà. Ở tuổi vị thành niên, các em dễ bắt chước, dễ chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông mà không ý thức được hậu quả”.

Một thực tế đáng lo khác theo ThS Hương là xu hướng giáo dục con trong “chăn nhung, gối lụa” của nhiều gia đình hiện nay. Khi cha mẹ sinh ít con, có điều kiện kinh tế và mong mỏi thành tích, họ dễ có tâm lý bao bọc, kỳ vọng quá mức.

Họ yêu con đến mức tạo ra một chiếc lồng êm ái bằng vật chất. Trẻ được bao bọc như những viên ngọc không tì vết, nhưng cũng chính vì thế mà yếu ớt trước nghịch cảnh”, cô Hương bày tỏ.

Theo cô Hương, có quá nhiều bậc cha mẹ nuôi dưỡng con bằng kỳ vọng hoàn hảo, quên rằng cuộc sống vốn nhiều va vấp. Khi một đứa trẻ không được học cách thất bại, thì một bài thi trượt, một lời trách móc… cũng có thể trở thành vết cứa sâu vào tâm hồn non nớt.

z6788787137158_f38dd30af73f3b5715ac61c9e6acb871.jpg
Giáo viên không nên chỉ là người giảng dạy, mà còn phải là người lắng nghe và chia sẻ. Trường học cần có các hoạt động định kỳ giúp học sinh bộc lộ cảm xúc, ‘xả độc’ tinh thần”.

Và điều quan trọng nhất chính là vai trò đồng hành của cha mẹ. Nhưng không phải sự kiểm soát, càng không phải giám sát. Mà là sự thấu hiểu – lắng nghe – dẫn dắt: “Làm bạn với con không phải là cùng xem TikTok hay chơi game với con, mà là chấp nhận cả những lỗi lầm, thấu cảm những điều con không thể nói thành lời. Là cùng con đi qua nỗi buồn, thay vì ra lệnh hãy vui lên”.

Muốn làm bạn, cha mẹ phải rèn mình trở thành một người bạn thật sự: không phán xét, không áp đặt, biết lắng nghe đúng cách. Chỉ khi trẻ cảm thấy an toàn trong chính ngôi nhà của mình, các em mới đủ dũng cảm mở lòng để được chữa lành.

Ở trường học, các thầy cô giáo cũng đóng vai trò tuyến đầu trong việc phát hiện và hỗ trợ học sinh có vấn đề tâm lý. Thay vì chạy theo thành tích, Thạc sĩ Hương mong muốn: “Cần xây dựng một môi trường giáo dục giàu cảm xúc – nơi học sinh được lắng nghe, được bộc lộ, được tôn trọng. Trường học không chỉ dạy kiến thức, mà còn phải là nơi giúp các em ‘thải độc’ tâm lý một cách lành mạnh”.

TS 12
Vai trò của gia đình lại là chìa khóa đầu tiên giúp học sinh vượt qua khủng hoảng. Theo ThS Hương, cha mẹ cần học cách làm bạn với con bằng ba nguyên tắc: thấu hiểu, đồng hành và dẫn dắt thay đổi.

Những buổi chia sẻ, sinh hoạt theo tuần, góc lắng nghe học đường hay các tiết học kỹ năng sống cần được đưa vào nhà trường như một phần bắt buộc. Vì sức khỏe tinh thần không phải chuyện phụ – nó là nền móng cho mọi sự phát triển.

Mùa tuyển sinh 2025 không đơn thuần là một kỳ thi học thuật – đó là hành trình đầy căng thẳng, mà đôi khi, học sinh phải đơn độc đi qua.

Nếu không nhìn thấy những giọt nước mắt lặng thầm sau mỗi lần ‘cố gắng’, nếu không nghe được tiếng thở dài của một đứa trẻ gồng gánh kỳ vọng người lớn, thì chúng ta đang đánh đổi tương lai bằng thành tích ảo”, ThS Nguyễn Thùy Hương nhấn mạnh.

Là người đã có nhiều năm đồng hành cùng các sĩ tử để tư vấn tâm lý, (ThS) Nguyễn Thùy Hương khẳng định:

Một nền giáo dục thành công không phải là nơi tạo ra những học sinh đạt điểm tuyệt đối, mà là nơi không để ai bị bỏ lại phía sau vì tổn thương tâm lý. Học sinh cần được học trong một môi trường lành mạnh, công bằng và nhân văn nơi các em được yêu thương, hiểu và chấp nhận”.

Văn Hiền