Cần làm rõ nguyên nhân xuất hiện những vết nứt tại các công trình đê điều trên địa bàn TP. Hải Phòng
(NB&CL) Hiện trạng một số công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hải Phòng) và các đơn vị trực thuộc Sở làm chủ đầu tư có xuất hiện một số vết nứt chưa xác định được rõ nguyên nhân.
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, trong thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đối với 9 dự án, công trình, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương (nay là TP. Hải Phòng) là cơ quan tham mưu dự toán, kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) xem xét xử lý cấp bách sự cố đê điều từ nguồn vốn Trung ương; trình UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình xử lý cấp bách sự cố đê điều từ nguồn vốn địa phương; là Chủ đầu tư các dự án duy tu bảo dưỡng đê điều. Đối với dự án xử lý cấp bách sự cố đê điều có nguồn vốn ngân sách Trung ương, Quỹ Phòng, chống thiên tai và dự án sửa chữa, bảo trì, cải tạo công trình đê điều có nguồn vốn từ nguồn chi thường xuyên của tỉnh, cấp có thẩm quyền giao Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương (cũ) là Chủ đầu tư.
Trong công tác quản lý chất lượng, thi công xây dựng công trình, nghiệm thu công trình đã phát hiện một số hạn chế, thiếu sót.
Cụ thể, các yêu cầu về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, sử dụng cho thi công xây dựng công trình chưa được thể hiện trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng là chưa đảm bảo quy định; Nội dung ghi nhật ký thi công còn sơ sài, chưa thể hiện đầy đủ diễn biến điều kiện thi công, nhân lực, thiết bị được nhà thầu huy động thực hiện thi công và tình hình nghiệm thu công việc xây dựng hàng ngày…

Đặc biệt, hiện trạng một số công trình có xuất hiện những vết nứt chưa xác định được rõ nguyên nhân như nứt phạm vi giao giữa dầm néo và dầm dọc trong, nứt ngang phạm vi giữa dầm dọc ngoài thuộc gói thầu Xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê bối Tiền Phong (kênh xả trạm bơm My Động), thôn My Động, xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện; nứt ngang một số tấm bê tông xi măng mặt đường thuộc các gói thầu: Tu sửa, chỉnh trang mái đê, gia cố mặt đê đoạn từ K0+543- K2+100 đê tả Rạng, huyện Kim Thành; Sửa chữa, gia cố mặt đê đoạn từ K4+670-K6+200 đê tả Thái Bình, huyện Nam Sách; Tu sửa, chỉnh trang mái đê, gia cố mặt đê đoạn từ K10+150-K12+158 đê tả Kinh Thầy, thành phố Chí Linh; Gia cố mặt đê đoạn từ K10+500-K11+300 đê tả Rạng, huyện Kim Thành; Tu sửa, chỉnh trang mái đê, gia cố mặt đê đoạn từ K28+200-K29+900 đê hữu Kinh Thầy, thị xã Kinh Môn.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều vết nứt dọc tấm bê tông mặt đường, sụt lún lề đường thuộc gói thầu Tu sửa, chỉnh trang mái đê, gia cố mặt đê đoạn từ K12+000-K13+140 đê tả Rạng; Tu sửa, chỉnh trang mái đê, gia cố mặt đê bằng bê tông đoạn từ K28+200-K29+900 đê hữu Kinh Thầy, thị xã Kinh Môn; Sửa chữa, gia cố mặt đê đoạn từ K4+670-K6+200 đê tả Thái Bình, huyện Nam Sách; lề đường một số đoạn bị sụt lún, thuộc các gói thầu: Tu sửa, chỉnh trang mái đê, sửa chữa gia cố mặt đê đoạn từ K8+200-K10+300 đê tả Thái Bình, huyện Nam Sách; Tu sửa, chỉnh trang mái đê, gia cố mặt đê đoạn từ K28+200-K29+900 đê hữu Kinh Thầy, thị xã Kinh Môn; Tu sửa, chỉnh trang mái đê, gia cố mặt đê đoạn từ K20+173-K22+389 đê hữu Kinh Thầy, thị xã Kinh Môn; Tu sửa, chỉnh trang mái đê, gia cố mặt đê đoạn từ K19+402-K20+173 đê hữu Kinh Thầy, thị xã Kinh Môn; bê tông mặt đường bị rỗ ở một số vị trí thuộc gói thầu Tu sửa, chỉnh trang mái đê, gia cố mặt đê đoạn từ K19+402-K20+173 đê hữu Kinh Thầy, thị xã Kinh Môn; cỏ trồng mái ta luy bị chết ở nhiều vị trí (gói thầu Tu sửa, chỉnh trang mái đê, sửa chữa gia cố mặt đê đoạn từ K8+200-K10+300 đê tả Thái Bình, huyện Nam Sách; Tu sửa, chỉnh trang mái đê, gia cố mặt đê đoạn từ K20+173- K22+389 đê hữu Kinh Thầy, thị xã Kinh Môn; …) cũng được phát hiện.


Mới đây, Kết luận thanh tra (Kết luận số 1044/KL-TTr ngày 23/6/2025) đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) và các đơn vị trực thuộc Sở trong thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đối với 9 dự án, công trình, Thanh tra tỉnh Hải Dương (cũ) xác định, xảy ra một số hạn chế, thiếu sót nêu trên, trách nhiệm thuộc về Lãnh đạo, phòng chức năng và công chức chuyên môn có liên quan của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) theo từng thời kỳ; Lãnh đạo, phòng chức năng và công chức chuyên môn có liên quan của Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương; đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát thi công xây dựng, các nhà thầu thi công và các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Qua đó, Thanh tra kiến nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương có trách nhiệm chủ trì xác định nguyên nhân lún, nứt mặt đường, sụt mái ta luy,.. của một số gói thầu như nêu ở phần kết quả kiểm tra, xác minh và có biện pháp khắc phục, xử lý đúng yêu cầu kỹ thuật, thực hiện các thủ tục theo quy định để đảm bảo an toàn khai thác công trình.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán xây dựng; quản lý chất lượng công trình xây dựng và quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đảm bảo việc lập, phê duyệt thiết kế - dự toán, quản lý chất lượng công trình xây dựng, quyết toán vốn đầu tư đảm bảo đúng quy định.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.