Thị trường - Doanh nghiệp

‏Trung Quốc siết đất hiếm khiến Ford phải đóng cửa nhà máy‏

Việt Hà (Theo Style on Main) 10/07/2025 13:58

‏(CLO) Trung Quốc siết xuất khẩu khiến Ford đóng cửa 3 tuần, nhà máy Chicago tê liệt, nhập nam châm đất hiếm đình trệ.‏

‏Ford, một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ và thế giới, đang đối mặt với thách thức lớn khi nguồn cung đất hiếm bị gián đoạn. Việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các nguyên tố này đã đẩy một số nhà máy của Ford vào tình trạng tạm dừng hoạt động.‏

770-202507100820071.png
‏Hình ảnh khai thác mỏ than với máy xúc và băng chuyền hoạt động. Ảnh: Tom Fisk‏

‏Đất hiếm là nhóm 17 kim loại đóng vai trò thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất ô tô. Những nguyên tố này được sử dụng rộng rãi trong các bộ phận như động cơ điện, hệ thống loa, ghế chỉnh điện, phanh và lái trợ lực.

Dù mang tên “hiếm”, thực tế chúng không quá khan hiếm trong lòng đất. Tuy nhiên, quá trình khai thác và tinh chế lại đòi hỏi chi phí cao cùng nhiều công đoạn phức tạp.‏

‏Theo số liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, hơn 90% hoạt động tinh chế đất hiếm toàn cầu hiện do Trung Quốc đảm nhiệm. Điều này giúp quốc gia này giữ vị thế quan trọng trong việc cung ứng nguyên liệu cho các nước khác.‏

‏Chuỗi cung ứng của Ford lao đao‏

‏Ford, cũng như nhiều hãng ô tô khác, phụ thuộc lớn vào đất hiếm cho các khâu sản xuất chủ chốt. Từ tháng 4 vừa qua, khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn, chuỗi cung ứng của Ford đã rơi vào tình trạng rối loạn.

Đáng chú ý, công ty không có sẵn kho dự trữ đất hiếm. Vì vậy, khi nguồn cung bị thiếu hụt, Ford buộc phải tạm dừng sản xuất tại một số nhà máy.‏

‏Tình hình càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Đầu năm nay, sau khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách hạn chế xuất khẩu bảy loại đất hiếm quan trọng, yêu cầu các doanh nghiệp phải có giấy phép đặc biệt. Dù không cấm hoàn toàn, những thủ tục hành chính phức tạp đã khiến việc nhập khẩu bị chậm trễ đáng kể.‏

‏Nhà máy đóng cửa, công nhân chịu ảnh hưởng‏

‏Ford là một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất từ động thái này. Ông Jim Farley, Giám đốc điều hành Ford, cho biết công ty đã phải tạm dừng hoạt động tại một số nhà máy ở Mỹ trong ba tuần vì không thể nhập khẩu nam châm công suất cao.

Điển hình, nhà máy Ford tại Chicago đã phải đóng cửa một tuần vào tháng 5 do thiếu kim loại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất mẫu xe Ford Explorer SUV, vốn cần đất hiếm cho nhiều hệ thống quan trọng. Một số nhà máy khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, dù chưa được công bố chi tiết.‏

‏Hàng nghìn công nhân tại các nhà máy này phải tạm nghỉ việc, đối mặt với tương lai bất định. Nhiều cộng đồng địa phương, nơi các nhà máy ô tô là trụ cột kinh tế, cũng chịu tác động tiêu cực. Các chuyên gia lao động cảnh báo rằng tình trạng bất ổn việc làm có thể gây ra những hệ lụy lâu dài về tâm lý và kinh tế.‏

‏Không chỉ ngành ô tô bị ảnh hưởng‏

‏Thiếu hụt đất hiếm không chỉ đe dọa ngành công nghiệp ô tô mà còn tác động đến nhiều lĩnh vực khác như quốc phòng, năng lượng tái tạo và sản xuất thiết bị điện tử.

Việc Trung Quốc kiểm soát nguồn cung đất hiếm đã làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia và khả năng phục hồi kinh tế của Mỹ. Điều này đồng thời mang lại lợi thế cho Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại.‏

‏Ford tìm lối thoát‏

‏Ford hiện đang rơi vào tình thế khó khăn, như cách công ty mô tả là “sống qua ngày”. Sự phụ thuộc vào nam châm đất hiếm từ Trung Quốc khiến việc duy trì sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ trở nên bấp bênh.

Các lãnh đạo Ford cho biết họ đang tìm kiếm chuỗi cung ứng thay thế và nghiên cứu công nghệ mới. Tuy nhiên, việc thay thế đất hiếm không hề đơn giản, vừa tốn kém vừa kém hiệu quả, thậm chí có thể gây thêm gián đoạn.‏

‏Tương lai bất định của các ngành công nghiệp‏

‏Ford không phải là doanh nghiệp duy nhất lao đao vì thiếu hụt đất hiếm. Nhiều công ty khác cũng đang đối mặt với khó khăn tương tự do phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Để giảm thiểu rủi ro, các quốc gia phương Tây có thể cần thực hiện những thay đổi mạnh mẽ nhằm giảm sự lệ thuộc này. Dù vậy, tương lai của nhiều ngành công nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ, phụ thuộc vào diễn biến quan hệ thương mại vốn có thể thay đổi bất ngờ trong thời gian tới.‏

Việt Hà (Theo Style on Main)