Ô nhiễm sông ngòi ở Việt Nam đã vượt ngưỡng báo động
(CLO) Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều dòng sông lớn, đặc biệt là ở khu vực đô thị như Hà Nội đang đặt ra yêu cầu bức thiết về một chiến lược quản lý tổng thể, đồng bộ. Trong đó, liên kết vùng được xem là giải pháp mang tính nền tảng.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tình trạng ô nhiễm sông ngòi ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã vượt ngưỡng báo động. Nhiều dòng sông vốn là mạch sống của đô thị đang dần trở thành những “kênh chứa nước thải khổng lồ”, đánh mất chức năng điều tiết sinh thái vốn có.
Tại Hà Nội, hệ thống sông nội đô như sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu hay kênh Bắc Hưng Hải, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ… đều trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng, bốc mùi, ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan và sức khỏe cộng đồng.

Tại tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết” do Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND TP. Hà Nội tổ chức ở Hà Nội, theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng “sông chết”. Cụ thể, quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh, trong khi hệ thống xử lý nước thải không theo kịp. Hiện nay, lượng nước thải sinh hoạt ở đô thị vào khoảng 9 triệu m³/ngày, nhưng chỉ chưa đầy 17% được xử lý trước khi xả thải. Phần lớn lượng nước thải còn lại chảy thẳng ra sông, kênh, ao hồ, gây ô nhiễm kéo dài.
Không chỉ nước thải sinh hoạt, các khu công nghiệp, cụm làng nghề cũng khiến tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn. Trong gần 300 khu công nghiệp trên cả nước, nhiều nơi vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, nhất là trong các làng nghề truyền thống, thường xử lý nước thải theo kiểu “tự phát”, xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý.
Bên cạnh đó, việc sử dụng bừa bãi phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi cũng khiến các dòng hóa chất độc hại chảy tràn ra sông, suối. Hoạt động khai thác cát, nạo vét sông không kiểm soát dẫn đến suy giảm lưu lượng dòng chảy. Các tác động cộng hưởng, cùng với việc thiếu giám sát, khiến cho ô nhiễm trở thành hiện tượng phổ biến, khó kiểm soát.
Một trong những nguyên nhân mang tính cấu trúc được chỉ ra là sự thiếu liên kết vùng trong quản lý nước thải và quy hoạch sử dụng đất. Dù sông ngòi không mang ranh giới hành chính, nhưng chính sách quản lý vẫn còn cục bộ, manh mún theo địa phương. Hệ quả là hiện tượng “thượng nguồn xả, hạ nguồn gánh” vẫn tiếp diễn suốt nhiều năm qua.
Theo GS.TS Trần Đình Hòa - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực trạng suy thoái cạn kiệt nguồn nước đang rất trầm trọng, việc phục hồi không thể chậm trễ hơn nữa.
Để giải quyết vấn đề về ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, trước hết, các địa phương phải bắt tay hợp tác giải quyết, không chỉ tại các địa phương có dòng sông chảy qua mà tất cả các địa phương liên quan cần liên kết để có giải pháp tổng thể. Việc liên kết vùng không chỉ riêng về vấn đề thuỷ lợi, ứng phó thiên tai mà phải quyết liệt xử lý nước thải liên quan tới cả hệ thống dòng sông.
Bên cạnh đó, theo Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), để từng bước phục hồi các nguồn nước, Hà Nội và các tỉnh, thành có chung hệ thống sông ngòi cần xây dựng và triển khai mô hình tổ chức quản lý lưu vực sông một cách bài bản, đồng thời tiến hành thí điểm các giải pháp tại những khu vực trọng điểm.
Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đầu tư hệ thống thu gom, xử lý rác thải và nước thải một cách triệt để; xây dựng các công trình điều tiết nhằm duy trì và tăng cường lưu lượng dòng chảy, nhất là với các con sông nội đô. Mục tiêu đặt ra trong 5–10 năm tới là nâng tỷ lệ nước thải được xử lý lên trên 80%, tiến tới kiểm soát nghiêm ngặt nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp, làng nghề và khu dân cư, đặc biệt là những cơ sở chưa có hệ thống xử lý đạt chuẩn. Các dự án trọng điểm như Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá cần được đẩy nhanh tiến độ và sớm đưa vào vận hành đồng bộ.