Trung Quốc cảnh báo robot quân sự có thể 'giết người bừa bãi'
(CLO) Ngày 10/7, tờ PLA Daily – cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội Trung Quốc – đã đăng tải một bài viết cảnh báo về những rủi ro đạo đức và pháp lý liên quan đến việc sử dụng robot hình người trong môi trường quân sự.
Bài viết nhấn mạnh quân đội Trung Quốc cần “nghiên cứu kỹ lưỡng về khía cạnh đạo đức và pháp lý” trước khi phát triển và triển khai các robot chiến đấu hình người, nhằm “tránh rơi vào các cạm bẫy đạo đức”.
Các tác giả bài báo cho rằng robot hình người hiện là loại vũ khí giống con người nhất từng được phát triển. Việc sử dụng rộng rãi loại robot này có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như giết hại bừa bãi hoặc tử vong do tai nạn, từ đó gây ra làn sóng chỉ trích và các cáo buộc pháp lý trên trường quốc tế.
Bài viết trích dẫn “Ba nguyên tắc robot” của nhà văn khoa học viễn tưởng người Mỹ Isaac Asimov, đặc biệt là nguyên tắc đầu tiên – cấm robot làm tổn hại con người hoặc để con người bị tổn hại do không hành động. Theo nhóm tác giả, việc quân sự hóa robot hình người đã “rõ ràng vi phạm” nguyên tắc này, và do đó cần được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh thực tế.
.png)
Họ kêu gọi các nhà phát triển robot chiến đấu phải đảm bảo rằng những cỗ máy này tuân thủ luật pháp chiến tranh, với các nguyên tắc cơ bản là: “tuân theo con người”, “tôn trọng con người” và “bảo vệ con người”. Các robot cần có khả năng “tạm dừng hoặc giới hạn việc sử dụng vũ lực quá mức” và tránh gây ra thương vong không cần thiết.
Theo bài viết, lợi thế lớn nhất của robot hình người nằm ở cánh tay cơ khí linh hoạt và khả năng thao tác máy móc phức tạp, giúp chúng có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ quân sự mà các hệ thống tự động hiện tại chưa thể thay thế.
Tuy vậy, các tác giả cũng thừa nhận những hạn chế đáng kể về tốc độ, khả năng thích ứng với môi trường, chi phí cao và độ phức tạp công nghệ khiến robot hình người khó có thể thay thế hoàn toàn các thiết bị không người lái khác, ngay cả khi công nghệ đạt đến mức độ hoàn thiện trong tương lai.
PLA Daily cho rằng quân đội cần “đề xuất rõ ràng các yêu cầu chiến lược” trước khi lên kế hoạch phát triển và triển khai robot hình người trên chiến trường.
Vào tháng 5, một bài báo khác đã ca ngợi khả năng ra quyết định và chiến đấu tự động của các robot này, nhấn mạnh rằng chúng có thể “làm thay đổi cách con người hình dung về chiến tranh tương lai”, nhờ khả năng sử dụng AI để đánh giá môi trường chiến trường và tự động hoàn thành nhiệm vụ.
Robot hình người hiện là điểm giao thoa giữa các lĩnh vực then chốt như AI, sản xuất tiên tiến và máy móc thông minh – những trụ cột trong chiến lược công nghệ của Trung Quốc nhằm cạnh tranh với Mỹ. Một số công ty Trung Quốc trong năm nay đã trình làng các mẫu robot hình người với tính linh hoạt vượt trội, củng cố niềm tin của Bắc Kinh vào lĩnh vực này.
Hiện tại, phần lớn các robot hình người vẫn đang được sử dụng trong ngành công nghiệp, hậu cần, giáo dục và nghiên cứu. Việc triển khai trên quy mô quân sự lớn vẫn còn là mục tiêu xa vời.