Xã hội

Kê đơn thuốc mạn tính 2-3 tháng không phải “cấp phát tùy ý”

Văn Hiền 10/07/2025 21:22

(CLO) TP Hồ Chí Minh (HCM) triển khai quy định mới về kê đơn thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) dài ngày cho bệnh mạn tính, nhưng Sở Y tế khuyến cáo người dân cần hiểu đúng để tránh hiểu lầm là “phát thuốc tự do”, đồng thời nắm rõ quyền lợi và tuân thủ lịch tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngày 10/7, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế thành phố đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn triển khai kê đơn thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) dài ngày theo Thông tư 26/2023/TT-BYT của Bộ Y tế – có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Theo đó, 252 bệnh lý, chủ yếu là bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, thần kinh, nội tiết..., sẽ được kê đơn thuốc trên 30 ngày, tối đa 90 ngày nếu tình trạng sức khỏe ổn định. Đây là thay đổi lớn so với quy định cũ – chỉ cho phép kê đơn ngoại trú tối đa 30 ngày.

Giảm tái khám, tăng hiệu quả điều trị, nhưng không đồng nghĩa “cấp thuốc thoải mái”

Ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh: “Bác sĩ kê đơn tối đa 90 ngày phải căn cứ vào tình trạng người bệnh, đảm bảo hồ sơ quản lý chặt chẽ và tuân thủ đúng quy định thanh toán BHYT. Đây không phải là cấp phát tùy tiện hay theo yêu cầu chủ quan của người bệnh".

Việc mở rộng thời hạn kê đơn nhằm giảm số lần đi lại tái khám, đặc biệt hữu ích với người cao tuổi, người khuyết tật, người dân ở vùng sâu, vùng xa; đồng thời tạo thuận lợi cho điều trị liên tục, đúng phác đồ, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên.

507029662_736209285731638_3072320340814948456_n.jpg
Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân hiểu đúng về việc được kê đơn 2-3 tháng thuốc BHYT đối với bệnh mạn tính, không phải là "cấp phát tùy ý", nắm rõ quyền lợi và thời điểm phù hợp để tái khám theo lịch hẹn bác sĩ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại việc kéo dài thời gian điều trị mà không được giám sát có thể khiến bệnh nhân không phát hiện kịp thời các biến chứng, tác dụng phụ hoặc diễn tiến bệnh, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Một đơn thuốc duy nhất cho mỗi lần khám

Theo quy định, mỗi lần khám chỉ được kê một đơn thuốc duy nhất, kể cả khi bệnh nhân khám nhiều chuyên khoa – điều này nhằm ngăn chặn trùng lặp hoặc tương tác thuốc bất lợi. Đặc biệt, các thuốc gây nghiện, hướng tâm thần phải dùng mẫu đơn riêng, có đầy đủ 3 bản sao và xác nhận theo đúng quy định.

Bệnh nhân ung thư dùng thuốc giảm đau gây nghiện phải có xác nhận từ Trạm Y tế nơi cư trú để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ.

Y tế cơ sở giữ vai trò trọng tâm trong quản lý bệnh mạn tính

Người đứng đầu ngành y tế TP HCM đánh giá việc triển khai kê đơn dài ngày là bước tiến quan trọng trong quản lý bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt khi người dân ngày càng có nhu cầu điều trị ổn định, ít đi lại, tiện lợi và tiết kiệm chi phí.

z6791914721987_6ab0d41a973a7e6e4122118c5a47d58c.jpg
Nhân viên y tế tại nhà thuốc bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh: Tổ chức tập huấn chuyên môn, thống nhất quy trình kê đơn – cấp thuốc – tái khám; Tăng cường giám sát nội bộ, đặc biệt với các trường hợp điều chỉnh phác đồ; Chuẩn hóa hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn tất triển khai đơn thuốc điện tử trước ngày 1/10/2025 với bệnh viện và 1/1/2026 với các cơ sở khác.

Hiện nay, đa số bệnh viện công lập tại TP HCM đã hoàn tất tích hợp hệ thống kê đơn điện tử vào phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), bác sĩ được đào tạo sử dụng thành thạo. Sở Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP HCM và các đơn vị liên quan để giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, bảo đảm an toàn cho người bệnh, hiệu quả chuyên môn và quyền lợi BHYT được thực hiện đúng quy định.

Văn Hiền