Xã hội

63/84 cơ sở kiểm tra vi phạm an toàn thực phẩm ở Hà Nội: Nhiều nơi bị đình chỉ, công khai vi phạm để răn đe

Văn Hiền 10/07/2025 21:35

(CLO) Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hà Nội tiến hành kiểm tra 84 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phát hiện 63 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Nhiều cơ sở đã bị tạm đình chỉ hoạt động để khắc phục vi phạm, một số vụ việc nghiêm trọng được chuyển cơ quan công an điều tra.

Thông tin này được ông Đỗ Anh Hùng, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xác nhận.

Theo ông Hùng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra đột xuất trên diện rộng, tập trung vào các chiến dịch cao điểm như dịp Tết Ất Tỵ, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, và kiểm tra chuyên đề về sữa, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

do-anh-dung-an-toan-.jpg
Ông Đỗ Anh Hùng, Phó Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Quang Thái

Kết quả kiểm tra như sau: 63/84 cơ sở bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm; 6 cơ sở bị yêu cầu tạm dừng hoạt động, chỉ được phép hoạt động trở lại sau khi khắc phục xong vi phạm; 1 cơ sở bị đình chỉ hoạt động có thời hạn; 33 mẫu thực phẩm được gửi kiểm nghiệm, trong đó 32 mẫu đạt yêu cầu; Tiêu hủy thực phẩm, nguyên liệu không đạt chất lượng trị giá hơn 500 triệu đồng...

Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra cũng chuyển một số vụ việc nghiêm trọng sang cơ quan công an để điều tra, đồng thời công khai danh sách các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông để tăng tính răn đe và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng đã gây “rúng động” dư luận như: Cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh (phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm); cơ sở sản xuất bim bim Đức Vinh (huyện Hoài Đức); các cơ sở sản xuất bánh kẹo tại làng nghề La Phù…

Đáng chú ý, sau khi bị kiểm tra và yêu cầu khắc phục, nhiều cơ sở đã chủ động thay đổi, cải thiện điều kiện sản xuất. Cơ sở Bánh cốm Nguyên Ninh là ví dụ điển hình khi nhanh chóng sửa chữa toàn diện để được phép hoạt động trở lại.

Theo ông Hùng, hoạt động kiểm tra, giám sát không chỉ nhằm phát hiện và xử lý vi phạm, mà còn góp phần nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buộc họ tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật.

Đồng thời, việc công khai thông tin vi phạm cũng góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, minh bạch nguồn gốc.

Trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội, được chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị”, ông Hùng khẳng định.

Hằng năm, UBND thành phố đều ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện; vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, Tết Trung thu…, thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt, kiểm tra đột xuất theo hướng ứng dụng công nghệ và mở rộng sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như y tế, công thương, quản lý thị trường, công an.

Quan điểm của thành phố là không có vùng cấm trong kiểm tra thực phẩm. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Văn Hiền