Xã hội

Khám chữa bệnh tại nhà được Bảo hiểm y tế chi trả từ 1/7: Chính sách nhân văn nhưng cần giám sát chặt chẽ

Văn Hiền 11/07/2025 08:42

(CLO) Từ ngày 1/7, người dân chính thức được khám chữa bệnh tại nhà, từ xa và được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Đây là bước đột phá mang tính nhân văn trong Luật BHYT sửa đổi, nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu siết chặt quản lý để tránh lạm dụng quỹ.

Chia sẻ với báo chí, BSCKII Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Chính sách khám chữa bệnh tại nhà và từ xa được BHYT thanh toán là lần đầu tiên được luật hóa, bao gồm chi phí khám, thuốc, vật tư y tế và chi phí vận chuyển hợp lý trong một số trường hợp đặc biệt như cấp cứu hoặc điều trị nội trú”.

Chính sách này mở ra cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi hơn cho người cao tuổi, bệnh nhân mạn tính, người khuyết tật và cư dân vùng sâu vùng xa, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19 và xu hướng phát triển y tế số.

z6781504259936_02d4ab0448049fca41e8e83b6869ff4b.jpg
Khám bệnh tại nhà giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế thuận tiện hơn, đặc biệt là người già, người khuyết tật và bệnh nhân mạn tính.

Với người không thể di chuyển, mỗi lần đi khám là cả hành trình gian nan. Nay, chỉ cần một cuộc gọi, bác sĩ có thể đến tận nhà, đơn thuốc cũng được thanh toán như khám tại viện, đây là bước tiến rất nhân văn”, bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

Dù đánh giá cao ý nghĩa của chính sách, bác sĩ Sơn cũng cảnh báo nguy cơ lạm dụng, trục lợi BHYT nếu không có quy trình kiểm soát chặt chẽ.

Việc khám tại nhà phải được triển khai có chọn lọc, minh bạch, đúng đối tượng. Đây là giải pháp hỗ trợ trong trường hợp đặc biệt chứ không thay thế hoàn toàn khám tại bệnh viện, nơi có đầy đủ trang thiết bị và chuyên khoa hỗ trợ”, ông Sơn bày tỏ.

Sở Y tế và các cơ sở cần ban hành quy trình hướng dẫn cụ thể, tăng cường giám sát nội bộ và kiểm tra việc thực hiện để tránh tình trạng kê đơn tràn lan, làm thất thoát quỹ BHYT vốn đang chịu nhiều áp lực.

z6356098002241_8cdea4e415bfcf748a41add3a57e9941.jpg
Người dân sẽ được hướng dẫn về quyền lợi bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến trung ương.
z6356098045963_b076bd75302d946e36ec96cb7d5c1c40.jpg
Trong điều kiện cho phép, người dân vẫn nên ưu tiên khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Bạch Mai.

Cũng theo bác sĩ Sơn, nhiều người hiểu nhầm rằng đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai bệnh viện tuyến trung ương sẽ tự động được hưởng BHYT. Thực tế, chỉ một số nhóm người bệnh đủ điều kiện mới được thanh toán khi khám ngoại trú, theo quy định tại Thông tư 01/2025/TT-BYT.

Cụ thể gồm: Người có giấy chuyển tuyến còn hiệu lực từ bệnh viện tuyến dưới; người có phiếu hẹn tái khám do chính Bệnh viện Bạch Mai cấp và còn hiệu lực; người mắc các bệnh đặc biệt thuộc danh mục 62 bệnh và nhóm bệnh hiểm nghèo, cần kỹ thuật cao (quy định chi tiết tại Phụ lục Thông tư 01/2025). Tuy nhiên, cần lưu ý: chỉ được hưởng BHYT ngay trong lượt khám đầu nếu hồ sơ hoặc đơn thuốc ghi rõ tình trạng bệnh đã được xác định.

“Để không bị thiệt quyền lợi, người bệnh nên mang theo giấy ra viện, đơn thuốc cũ hoặc hồ sơ bệnh án khi đến khám tại Bạch Mai”, bác sĩ Trần Thái Sơn khuyến cáo.

Việc khám bệnh tại nhà được BHYT chi trả là bước đi phù hợp với thời đại, giúp “đem bệnh viện đến gần hơn với người dân”. Nhưng nếu không cẩn trọng, sự nhân văn có thể bị biến thành kẽ hở gây thất thoát quỹ vốn là chỗ dựa cho hàng chục triệu người bệnh trên cả nước.

Văn Hiền