Xã hội

Sốt xuất huyết rút ngắn chu kỳ bùng phát: Nguy cơ gia tăng ca mắc trong năm 2025

Văn Hiền 11/07/2025 19:40

(CLO) Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết đang hiện hữu khi chu kỳ dịch rút ngắn còn 3-4 năm, thời tiết mưa ẩm kéo dài tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi phát triển.

Ngành y tế cảnh báo các địa phương cần hành động khẩn trương, quyết liệt để kiểm soát sớm, ngăn dịch lan rộng.

Tại hội nghị trực tuyến ngày 11/7 với chủ đề “Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025”, Bộ Y tế cảnh báo: Dịch sốt xuất huyết vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ bùng phát rất cao do thời tiết thuận lợi, chu kỳ dịch rút ngắn và nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc tăng đột biến.

Theo ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến ngày 8/7, cả nước đã ghi nhận 32.189 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2024, số mắc giảm 11,2%, số tử vong giảm một ca.

Ảnh màn hình 2025-07-11 lúc 17.55.16
Bộ Y tế nhận định, sốt xuất huyết vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ bùng phát rất cao.

Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta đang bước vào mùa cao điểm, nguy cơ gia tăng ca mắc là rất lớn nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.”

Một số tỉnh, thành ghi nhận mức tăng đáng báo động so với cùng kỳ: Bến Tre tăng 346,5%; Tây Ninh tăng 274,3%; Long An tăng 208,6%; Đồng Nai tăng 191,7%; TP Hồ Chí Minh tăng 151,4%.

Đáng chú ý, dịch không còn là “vấn đề miền Nam” mà đã lan ra miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, nơi số ca mắc có xu hướng tăng đều trong vài năm gần đây.

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh cho biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 100.000 ca mắc và khoảng 100 ca tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh diễn tiến quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh vào tháng 6 đến tháng 11. Đặc biệt, chu kỳ dịch đã rút ngắn từ 5 năm còn 3-4 năm, khiến nguy cơ xuất hiện một đợt bùng phát lớn trong năm 2025 là hoàn toàn có thể.

Ông Đức dẫn chứng: “Đợt dịch năm 2022 ghi nhận hơn 370.000 ca mắc mức cao nhất trong nhiều năm. Nếu không kiểm soát tốt, kịch bản tương tự hoàn toàn có thể tái diễn.”

Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương giám sát chặt chẽ, xác định điểm nóng, xử lý ổ dịch ngay từ sớm và không để lan rộng. Công tác tuyên truyền, vận động người dân được triển khai đồng bộ cùng với hệ thống chính trị tại cơ sở.

Theo ông Võ Hải Sơn, nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc, tổ chức các chiến dịch diệt muỗi, diệt bọ gậy, huy động lực lượng tại chỗ hướng dẫn người dân xử lý nơi sinh sản của muỗi trong gia đình. Hệ thống điều trị cũng được phân tuyến hợp lý, chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, tránh quá tải cục bộ và hạn chế tối đa tử vong.

484049429_1075891401232085_6876617702772200130_n.jpg
Tính từ đầu năm đến ngày 8.7.2025, cả nước đã ghi nhận 32.189 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2024 (ghi nhận 36.276 ca và 6 ca tử vong), số mắc giảm 11,2%, tử vong giảm 1 trường hợp.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường tập huấn cho y tế cơ sở, chú trọng kỹ năng chẩn đoán sớm, phân loại bệnh nhân, nhằm xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu cảnh báo.

Ông Sơn nhấn mạnh, người dân có vai trò then chốt trong công tác phòng bệnh: “Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine mới chỉ ở giai đoạn triển khai thử nghiệm. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và tránh bị muỗi đốt".

Bộ Y tế kêu gọi mỗi hộ gia đình dành ít nhất 10 phút mỗi tuần để: loại bỏ ổ bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, đậy kín các bể nước, thay nước lọ hoa thường xuyên, thả cá vào bể cảnh để tiêu diệt lăng quăng, dùng màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem chống muỗi hoặc vợt điện.

Ông Sơn cũng khuyến cáo, khi có biểu hiện sốt, người dân không tự điều trị tại nhà, mà cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và theo dõi, tránh bỏ lỡ thời điểm phát hiện dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng.

Việt Nam đang thí điểm đưa vaccine phòng sốt xuất huyết vào sử dụng một tín hiệu đáng mừng trong cuộc chiến lâu dài với dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định, vaccine không thể thay thế hoàn toàn các biện pháp phòng bệnh truyền thống.

Bộ Y tế tiếp tục nhấn mạnh tinh thần phòng dịch phải “từ sớm, từ xa”, kết hợp giám sát dịch tễ chủ động, truyền thông hiệu quả và hành động quyết liệt từ cơ sở đến người dân.

Văn Hiền