Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế
(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 188/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo Nghị định, ngoài các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế, còn có thêm các nhóm sau: Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ sẽ tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng. Người dân đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ, đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú, sẽ tham gia theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng.

Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở mà không thuộc các nhóm đã quy định cũng thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.
Nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 18/2019/NĐ-CP mà chưa thuộc các nhóm trên sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu cũng sẽ tham gia theo nhóm do người sử dụng lao động, người lao động hoặc cùng đóng theo quy định.
Ngoài ra, người từng tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế và các nhóm đã được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế trước ngày 1/1/2025 sẽ tiếp tục tham gia theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng. Học viên đào tạo quân sự thuộc Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở hệ tập trung đang hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước cũng sẽ tham gia theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng.
Nghị định cũng quy định nguyên tắc tham gia đối với người thuộc nhiều nhóm, trong đó người đồng thời thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ và có mức hỗ trợ khác nhau sẽ được chọn nhóm có mức hỗ trợ cao nhất.
Về mức đóng, đối tượng do người sử dụng lao động đóng hoặc cùng đóng sẽ nộp 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó, người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba. Một số nhóm như công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác trong tổ chức cơ yếu sẽ do đơn vị sử dụng lao động trực tiếp đóng theo mức quy định.
Người lao động là cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc chức vụ mà chưa bị xử lý kỷ luật sẽ nộp bảo hiểm y tế bằng 4,5% của 50% tiền lương tháng liền kề trước thời điểm bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ. Nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận không vi phạm pháp luật, người sử dụng lao động và người lao động sẽ phải truy đóng phần bảo hiểm y tế tương ứng với phần lương được truy lĩnh.
Mức đóng do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện gồm: 4,5% lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động với người nghỉ hưu; 4,5% mức lương cơ sở với người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng hoặc người đã nghỉ hưu trước tuổi; 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Mức đóng nhóm do ngân sách nhà nước đóng được xác định là 4,5% mức lương cơ sở đối với đa số các đối tượng chính sách, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn... Các đối tượng học sinh sinh viên được nhà nước cấp học bổng sẽ đóng thông qua đơn vị cấp học bổng. Với nhóm được hỗ trợ mức đóng, đối tượng tự đóng phần còn lại, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần tùy nhóm cụ thể.
Đối với hộ gia đình, mức đóng tính theo thứ tự người tham gia: người thứ nhất đóng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai đến thứ tư giảm lần lượt còn 70%, 60% và 50%; từ người thứ năm trở đi chỉ đóng 40%.
Nghị định cũng quy định mức hỗ trợ cụ thể từ ngân sách nhà nước. Theo đó, hộ cận nghèo cư trú tại xã nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 100% mức đóng. Một số nhóm khác được hỗ trợ tối thiểu 70% trong thời gian 36 tháng kể từ thời điểm xã không còn thuộc diện khó khăn. Nạn nhân mua bán người được hỗ trợ tối thiểu 50% trong 1 năm kể từ khi có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, nhiều đối tượng khác được hỗ trợ tối thiểu từ 30% đến 50% mức đóng bảo hiểm y tế.
Nghị định 188/2025/NĐ-CP là văn bản pháp lý quan trọng nhằm mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho các nhóm chính sách, người dân vùng khó khăn, đồng thời cụ thể hóa Luật Bảo hiểm y tế trong thực tiễn thi hành.