Phát hiện hóa thạch khủng long ngay dưới bảo tàng... khủng long
(CLO) Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver (Mỹ) vốn nổi tiếng với bộ sưu tập xương khủng long đồ sộ, mới đây đã nhận được một bổ sung đầy bất ngờ, không phải từ nhà tài trợ hay nhà nghiên cứu mà từ chính bãi đậu xe của bảo tàng.
Phát hiện này diễn ra vào tháng 1 khi bảo tàng triển khai một dự án khoan nhằm đánh giá khả năng chuyển đổi hệ thống năng lượng từ khí đốt tự nhiên sang địa nhiệt. Dự án cũng kết hợp với sáng kiến lấy lõi địa chất để hiểu rõ hơn về cấu trúc lòng đất ở lưu vực Denver.

Khi cặp giàn khoan khoan xuống lòng đất sâu khoảng 230 mét, nhóm nghiên cứu không chỉ thu được trầm tích cổ đại mà còn phát hiện hai mảnh xương hóa thạch.
“Về cơ bản, nó giống như việc trúng số độc đắc và bị sét đánh trong cùng một ngày vậy”, James Hagadorn, giám tuyển địa chất của DMNS, nói trong một cuộc phỏng vấn. “Không ai ngờ rằng một khu đất nhỏ vài mét vuông lại che giấu một bộ xương khủng long phía dưới”.
Đáng tiếc, mảnh hóa thạch lớn hơn đã không còn nguyên vẹn sau khi bị khoan trúng. Đốt sống này có kích thước dài khoảng 4,7 cm, rộng và cao 5,7 cm. Phân tích cho thấy hóa thạch này có thể thuộc về một loài khủng long ăn cỏ như Thescelosaurus hoặc Edmontosaurus.
Với niên đại khoảng 67,5 triệu năm, đây là hóa thạch khủng long cổ nhất và nằm sâu nhất từng được phát hiện tại Denver. Theo hồ sơ của bảo tàng, vào thời điểm đó, cảnh quan Colorado rất khác so với ngày nay, không phải là những ngọn núi tuyết mà là rừng rậm và đầm lầy, nơi khủng long như Tyrannosaurus rex từng lang thang.
"Trong 35 năm làm việc tại bảo tàng, chúng tôi chưa từng có cơ hội nghiên cứu các lớp địa chất sâu đến vậy, ngay bên dưới chân mình, việc hóa thạch này xuất hiện ở đây... quả là một điều kỳ diệu", cộng tác viên nghiên cứu của DMNS, chia sẻ.