Xã hội

Chuyển hạng giáo viên THCS hạng II mới: Không cần đủ mọi minh chứng nhiệm vụ

Văn Hiền 12/07/2025 17:16

(CLO) Giáo viên đủ thời gian giữ hạng vẫn được bổ nhiệm, dù không có đủ mọi minh chứng nhiệm vụ theo Thông tư 03 đây là khẳng định mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tháo gỡ vướng mắc cho hàng ngàn nhà giáo đang chờ chuyển hạng, hưởng lương theo chức danh mới.

Vấn đề được đặt ra từ trường hợp của cô Huỳnh Thị Thu Vân, giáo viên THCS với 24 năm công tác, hiện đang giữ chức danh Giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.11).

Dù đáp ứng đầy đủ yêu cầu về thời gian công tác gồm 6 năm giữ ngạch tương đương và 8 năm giữ hạng II cô vẫn chưa được hưởng lương theo hạng II mới kể từ ngày Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực (1/4/2021), do thiếu một số minh chứng về nhiệm vụ chuyên môn.

505302971_4070694613167950_8592187225372181814_n.jpg
Tùy thuộc vào các công việc nhiệm vụ thực tế mà nhà trường được giao, hiệu trưởng có thể phân công hoặc không phân công đủ các nhiệm vụ của hạng II cho giáo viên. Ảnh: Thế Đại

Tuy nhiên, theo phản hồi chính thức của Bộ GD&ĐT, việc bổ nhiệm sang chức danh Giáo viên THCS hạng II mới (mã số V.07.04.31) chỉ yêu cầu đủ tổng thời gian giữ hạng (ít nhất 9 năm, không kể tập sự), không bắt buộc phải cung cấp đầy đủ minh chứng về từng nhiệm vụ chuyên môn theo Điều 4 Thông tư 03.

Bộ GD&ĐT, cũng viện dẫn Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, quy định: với những nhiệm vụ mà cơ sở giáo dục không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện, hiệu trưởng được quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá giáo viên. Do đó, trong thực tế, không phải giáo viên nào cũng được phân công đủ các nhiệm vụ theo quy định hạng, và không thể lấy đó làm lý do từ chối bổ nhiệm, kéo dài thời gian hưởng quyền lợi.

Bổ nhiệm sang hạng II mới không yêu cầu chứng minh đã thực hiện đủ mọi nhiệm vụ hạng II. Điều kiện bắt buộc duy nhất là đủ thời gian giữ hạng", Bộ GD&ĐT khẳng định.

Với khẳng định này, hàng nghìn giáo viên lâu năm đặc biệt là giáo viên THCS đang chờ xét chuyển hạng có thể yên tâm hơn về quyền lợi được bảo đảm đúng theo tinh thần của các thông tư mới.

Việc hiểu sai hoặc áp dụng cứng nhắc các văn bản đã gây lúng túng cho nhiều địa phương và thiệt thòi cho giáo viên. Thực tế cho thấy, chính sách đúng phải đi kèm với cách hiểu đúng và triển khai linh hoạt, trong đó vai trò của hiệu trưởng và cơ quan chuyên môn tại địa phương là hết sức quan trọng.

Văn Hiền