Ernst & Young Việt Nam – 'Big 4' đầu tiên bị đình chỉ đồng loạt 3 kiểm toán viên: Lợi nhuận lao dốc, thuế TNDN về 0, ngành kiểm toán đang rơi vào vòng siết?
(CLO) Trong khi lợi nhuận sau thuế của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) năm 2024 sụt giảm gần 94%, thuế thu nhập doanh nghiệp về 0 đồng, thì mới đây, ba kiểm toán viên thuộc đơn vị này vừa bị đình chỉ hành nghề đến cuối năm 2025 theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ernst & Young Việt Nam – Thành viên Big 4 đầu tiên có 3 kiểm toán viên bị đình chỉ trong năm 2025
Ngày 10/7/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 383/QĐ-UBCK về việc đình chỉ tư cách hành nghề kiểm toán đối với ba cá nhân làm việc tại Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam), bao gồm: ông Nguyễn Quốc Hoàng, ông Ngô Trần Quang và ông Trịnh Hoàng Anh. Thời hạn đình chỉ kéo dài đến hết ngày 31/12/2025.
Cùng ngày, UBCKNN cũng ban hành Quyết định số 384/QĐ-UBCK về việc đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán đối với ông Nguyễn Đức Tiến và ông Nguyễn Viết Thiệu – hai kiểm toán viên thuộc Công ty TNHH Kiểm toán VACO. Thời hạn đình chỉ đến hết ngày 31/12/2025. Trong đó, ông Nguyễn Đức Tiến có giấy chứng nhận hành nghề số 0517-2023-156-1, ông Nguyễn Viết Thiệu có giấy chứng nhận số 4244-2023-156-1.
Trước đó, ngày 4/6/2025, kiểm toán viên Bùi Văn Vương của Công ty TNHH Kiểm toán BDO cũng bị đình chỉ hành nghề đến cuối năm. Hồi tháng 4/2025, hai kiểm toán viên Nguyễn Trung Thành và Phạm Quang Khải thuộc Công ty TNHH Kiểm toán AFC cũng nhận quyết định tương tự. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 3 tháng, đã có ít nhất 7 kiểm toán viên bị đình chỉ tư cách hành nghề, trải rộng ở cả doanh nghiệp lớn và nhỏ trong ngành.
Các quyết định đình chỉ không nêu rõ lý do cụ thể nhưng đều căn cứ theo Luật Kiểm toán độc lập và Luật Chứng khoán. Việc đình chỉ hành nghề thường áp dụng với các trường hợp vi phạm chuẩn mực nghề nghiệp, có dấu hiệu sai sót chuyên môn hoặc liên quan đến các hoạt động kiểm toán doanh nghiệp đại chúng gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Lợi nhuận sụt mạnh, thuế TNDN bằng 0: EY Việt Nam gặp vấn đề gì?
Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam được thành lập từ năm 1992, là thành viên của mạng lưới kiểm toán toàn cầu EY và thuộc nhóm “Big 4” cùng với Deloitte, PwC và KPMG. Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2024 của đơn vị này cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường.
Cụ thể, tổng doanh thu năm 2024 đạt gần 1.278 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng đạt 451 tỷ đồng, tăng 52,5%, trong khi các mảng dịch vụ khác đều sụt giảm.
Chi phí hoạt động của công ty lên tới hơn 1.273 tỷ đồng, trong đó chi phí nhân viên (gồm tiền lương, thưởng và các khoản khác) chiếm khoảng 695 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,3%. Lợi nhuận sau thuế của EY Việt Nam chỉ đạt vỏn vẹn 494,7 triệu đồng, giảm tới 93,9% so với mức 8,1 tỷ đồng năm 2023 – cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Đáng chú ý, khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2024 của EY Việt Nam bằng 0 đồng. Trong khi năm 2023, công ty đã nộp gần 4,3 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách năm 2024 chỉ khoảng 11,2 tỷ đồng, giảm tới 94,4% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận ròng/doanh thu năm 2024 của EY Việt Nam chưa tới 0,04% – mức thấp bất thường đối với một công ty thuộc nhóm kiểm toán lớn nhất thế giới.
Hệ thống kiểm toán độc lập đang được siết chặt sau nhiều vụ việc lớn?
Việc đình chỉ liên tiếp các kiểm toán viên, trong đó có cả những người thuộc EY và VACO, cho thấy UBCKNN đang tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán trong lĩnh vực chứng khoán. Hồi tháng 6/2024, một loạt kiểm toán viên của Deloitte Việt Nam, trong đó có cả Phó Tổng giám đốc cũng bị đình chỉ vì liên quan đến sai sót trong hồ sơ kiểm toán Ngân hàng SCB.
Nhận định về vấn đề này, giới quan sát cho rằng, có những trường hợp kiểm toán viên không chỉ yếu về chuyên môn mà còn có dấu hiệu cấu kết, cố tình bỏ qua vi phạm. Nhiều thông tin cho thấy, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát toàn diện việc cấp chứng chỉ hành nghề, nâng chuẩn đào tạo và tăng cường thanh tra chéo trong ngành kiểm toán.
Vụ việc tại SCB giai đoạn 2012–2022 là minh chứng lớn nhất cho thấy rủi ro nếu hệ thống kiểm toán độc lập không được giám sát hiệu quả. SCB từng được kiểm toán bởi cả EY, Deloitte và KPMG nhưng không đơn vị nào phát hiện bất thường trước khi ngân hàng này bị kiểm soát đặc biệt.
Trong bối cảnh đó, việc một thành viên Big 4 như EY Việt Nam bị đình chỉ cùng lúc 3 kiểm toán viên, song song với việc VACO cũng bị “gọi tên”, là tín hiệu cho thấy ngành kiểm toán đang bước vào giai đoạn cần tái thiết mạnh mẽ. Hiệu quả kinh doanh giảm sâu, tỷ lệ đóng thuế về mức tối thiểu cũng đặt ra bài toán về tính bền vững của mô hình kiểm toán tại Việt Nam hiện nay.